Khởi động từ năm 2015, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) nay mới đạt 15% khối lượng thi công. Không chỉ khó có khả năng hoàn thành vào năm 2020 như kế hoạch, dự án còn đứng trước bờ vực đổ vỡ nếu các vướng mắc không được tháo gỡ.
Lãnh đạo BOT Trung Lương - Mỹ Thuận giải thích, vướng mắc nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ nên nguồn vốn tín dụng cho dự án chưa được giải ngân. Cụ thể, lãi suất vốn vay trong phương án tài chính được Bộ Giao thông phê duyệt là 7,8%/năm, thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng 10,8%/năm, do đó không giải ngân được vốn vay tín dụng do chênh lệch lãi suất lớn.
Bên cạnh đó, nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP HCM - Trung Lương để hỗ trợ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được do những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công. Nguồn này gây thiếu hụt cho dự án khoảng 3.900 tỷ đồng.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Xuân Hoa.
Dự án đình trệ còn do năng lực của nhà đầu tư hạn chế. Công ty TNHH Yên Khánh - một trong 6 thành viên liên danh do đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự nên các ngân hàng tài trợ không giải ngân, yêu cầu phải thay thế nhà đầu tư này.
Đầu tháng 2, doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh phương án tài chính, hỗ trợ nhà đầu tư vay vốn ngân hàng thay cho sử dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước tại trạm thu phí TP HCM - Trung Lương. Đồng thời, doanh nghiệp đề nghị chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án là Bộ Giao thông về địa phương là tỉnh Tiền Giang để tỉnh chủ động xử lý vướng mắc.
Về các vướng mắc của doanh nghiệp dự án, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, phần lớn vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Giao thông đã báo cáo Thủ tướng xem xét tháo gỡ về lãi suất vay vốn ngân hàng cho dự án. Tương tự, thẩm quyền quyết định chuyển cơ quan quản lý là Bộ Giao thông cho UBND tỉnh Tiền Giang cũng thuộc Chính phủ. Bộ Giao thông ghi nhận việc thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tích cực hỗ trợ triển khai dự án khi bàn giao mặt bằng khoảng 96%.
Lãnh đạo Bộ khẳng định không thực hiện chuyển nhượng nhà đầu tư ở thời điểm này vì theo quy định, dự án chỉ chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác sau khi đã hoàn thành công trình. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể bổ sung nhân sự cấp cao từ các doanh nghiệp khác.
Dự kiến tuần tới, Chính phủ sẽ họp bàn với Bộ Giao thông về các biện pháp để giải cứu dự án cao tốc trọng điểm này.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A, được hàng triệu người dân miền Tây chờ đợi.
Tháng 6/2017, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư 9.668 tỷ đồng và điều chỉnh kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2020. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư chiếm 30% với 2.800 tỷ đồng, còn lại hơn 6.800 tỷ đồng vốn vay.
Hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thi công 19 trong số 21 gói thầu xây lắp, còn lại 2 gói thầu địa phương chưa bàn giao mặt bằng. Khi hoàn thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy