Dòng sự kiện:
Bức “huyết tâm thư” của người chiến sĩ chống giặc lửa
30/01/2015 14:10:47
ANTT. VN - “ …Là một chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, tôi không thể ngồi yên nhìn bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây tội ác với đồng bào…” – đó là những lời trong bức huyết tâm thư của chiến sĩ cảnh sát PCCC Phạm Điện Biên.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã đi qua gần 40 năm nhưng dư âm vẫn đọng lại theo thời gian, năm tháng và trong kí ức của nhiều người. Những sự kiện lịch sử hào hùng oanh liệt, những ngày tháng gian khổ, hi sinh nhưng đầy vẻ vang vẫn lắng sâu trong kí ức của mỗi người lính. Trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nói chung và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thủ đô nói riêng.

Đã 40 năm trôi qua, nhìn lại những bức thư của các chiến sĩ – thanh niên Công an đang được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân chúng ta không khỏi xúc động. Nhiều người trong số họ đã lấy máu của mình để thể hiện quyết tâm sẵn sàng đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tất cả vì miền Nam thân yêu.

Đúng vào dịp Bộ Công an đang phát động Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân”, tôi có dịp gặp gỡ với người lính chữa cháy năm xưa – người viết bức “huyết tâm thư” tình nguyện vào chiến trường miền Nam bảo vệ Tổ quốc ngay tại gian trưng bày bức thư Quyết tâm với tiêu đề và chữ kĩ chính bằng máu của ông – chiến sĩ phòng cháy chữa cháy Phạm Điện Biên.

Ông sinh ra trên mảnh đất cố đô Hoa Lư – Ninh Bình vào đúng ngày 7/5/1954. Tuổi thơ khắc nghiệt và nhiều cay đắng đã bồi đắp cho ông chí khí cách mạng và lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm.

don-tinh-nguyen-di-chien-dau-cua-dong-chi-pham-dien-bien

Đơn tình nguyện đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam của đồng chí Phạm Điện Biên

Năm 1971, ông đăng kí nghĩa vụ quân sự và được Công an Ninh Bình tuyển dụng đi học tại Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương. Năm 1972, đế quốc Mỹ âm mưu dùng bom đạn đưa Hà Nội trở về thời kì đồ đá. Ông được điều về phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội tăng cường. Theo tiếng gọi của Đảng, tất cả vì miền Nam ruột thịt, ông viết huyết tâm thư với tiêu đề “Đơn tình nguyện đi chiến đấu” gửi Ban chỉ huy, phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Sở công an Hà Nội tình nguyện gia nhập “Trung đội Thanh niên kháng chiến chống Mỹ”, tham gia chiến đấu tại những nơi gian khổ, nguy hiểm và khốc liệt nhất để phục vụ chiến trường miền Nam.

Trong thư ông viết: “ …Là một chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, tôi không thể ngồi  yên nhìn bọn đế quốc Mỹ  và bè lũ tay sai gây tội ác với đồng bào. Mặt khác, đối với thanh niên lúc này thì không có hạnh phúc nào bằng được đứng trên trận tuyến đánh quân thù, không có vinh dự nào bằng là được hoàn toàn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho loài người… Đây là nguyện vọng tha thiết và khẩn cấp nhất của tôi…” Bức thư đó chưa được cấp trên xét duyệt, vì ông phải đi nhận nhiệm vụ khác. Nhưng giữa thủ đô Hà Nội, ông đã cùng đồng đội  làm nên những kì tích trên mặt trận chống giặc lửa, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ trên không, khắc ghi vào lịch sử một mốc son chói lọi.

Trong kí ức của người hùng chống giặc lửa, không thể nhớ hết những chiến công mà ông đã cùng đồng đội bảo vệ thủ đô yêu dấu. Bởi công việc chữa cháy lúc đó “như cơm bữa”, thấy báo động có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ. Những ký ức về những trận chiến đấu chống giặc lửa năm 1972 đã để lại trong ông những dấu ấn thật khó phai. Trận chiến đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông là trận chữa cháy tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. Cháy không lớn nhưng thiệt hại về người là rất nặng. ông cùng đồng đội không cầm nổi nước mắt khi lần lượt đưa từng thi thể nạn nhân ra khỏi đám cháy. Trận chiến trên giặc lửa đó luôn là nỗi ám ảnh về tổn thất do cháy gây ra đối với ông. Đó là động lực thôi thúc ông một mình, dũng cảm nhảy lên toa tàu giật chốt, cắt đứt toa ngăn cháy lan sang các toa khác tại ga Gia Lâm trong trận chiến năm 1972.

Đoàn tàu khi ấy là tàu chở hàng quân sự cho chiến trường miền Nam. Nhận được tin báo cháy, ông cùng đồng đội gấp rút lên đường làm nhiệm vụ. Lần đó xe chữa cháy đỗ bên này sông, còn Tiểu đội của ông rải vòi qua cầu treo và vượt sông chữa cháy. Trước một biển lửa vô cùng nguy hiểm, trên đường ray chênh vênh, ông cùng đồng đội tay cầm vòi phun xông thẳng vào đám cháy xối nước tập trung vào trọng điểm cháy lớn nhất để cắt ngang ngọn lửa. Ông đã nhảy lên, giật chốt,cắt đứt toa tàu đang cháy với các toa khác để chống cháy lan và bảo vệ được chuyến hành quân sự. Với tinh thần chiến đấu quên mình, quyết tâm bảo vệ đến cùng thủ đô yeu dấu.

Trong năm 1972, ông được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, được phong hàm vượt cấp, được Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, ông được điều về công tác tại Phân hiệu Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nay là Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Bốn mươi năm gắn bó và cống hiến cho lực lượng Công an nhân dân với 35 năm tuổi Đảng, ông đã được Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng 14 bằng khen về thành tích trong công tác chữa cháy, cấp trên tặng nhiều Huân chương, Huy chương về thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác, 13 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua ở cấp cơ sở.

(Trích Những kỉ vật lịch sử Công an nhân dân)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến