Dòng sự kiện:
Bức tâm thư “Hứa hẹn cùng nhau”
19/01/2015 14:17:36
ANTT.VN - Hòa chung với nhịp đập của non sông, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Thái Bình đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Có những người một đi không trở lại nhưng linh hồn họ vẫn sống mãi với Tổ quốc, trong đó có anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Liêm.
Tâm thư hứa hẹn

Có một vài điều thực sự kì lạ đã xảy ra với quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Phan Văn Viêm: Trong lá thư gửi về cho vợ là bà Đỗ Thị Rốt có ghi: “ Hôm nay, thứ Hai ngày 26/4/1965, anh lên đường và đi vào miền Nam nơi mà đồng bào và Tổ quốc chờ đợi”. Thì  cũng đúng ngày ấy, 45 năm sau – thứ Hai, ngày 26/4/2010, các con của liệt sĩ tìm thấy phần mộ thất lạc và đưa ông về với quê hương.

nhung-buc-tam-thu

Một số bức tâm thư của đồng chí Phan Văn Viêm gửi về gia đình

Hơn 30 lá thư ông viết đều dặn dò bà và các con giữ vững niềm tin vào Đảng, vào Cách mạng và một tương lai tươi sáng hơn: “Anh mong lúc nào em và con ở nhà cũng được khỏe mạnh, vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, yên tâm sản xuất, chấp hành tốt mọi chính sách  của Đảng ở địa phương, luôn luôn biểu hiện là một gia đình cán bộ gương mẫu trong mọi việc… Em ở nhà cố gắng làm ăn, tư tưởng phải thật vững vàng đừng có rao động trước những khó khăn, nhớ lời anh căn dặn trước lúc chia tay. Góp phần với bác Tụng nuôi Mẹ tử tế thay cho anh. Chăm sóc dạy bảo các con…”.

Đó là những dòng thư đầy ắp niềm tin và lí tưởng cách mạng cao đẹp của ông và của các thế hệ thanh niên thời đó, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh cho cách mạng. Các anh đã dấn thân vào cuộc chiến với một tâm hồn sôi nổi, giàu nhiệt huyết, không phải một tấm gương mà hàng ngàn, hàng vạn tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bảo tàng Công an Nhân dân cho biết: Hiện đã sưu tầm được 7 trong số 30 bức thư ông gửi về cho vợ con. Nếu đã từng đọc được những bức thư đó, ai trong chúng ta cũng cảm nhận rằng: điều đáng trân trọng là vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, sự khốc liệt của chiến tranh, đồng chí Phan Văn Viêm vẫn luôn thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, không những thế, bằng những lá thư chứa chan tình cảm vội tại chiến trường, đồng chí đã thắp lên một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng đối với những người ở hậu phương. Và “ngày mai” đó đã đến với gia đình, quê hương và đất nước của ông.

ban-ghi-loi-hua-hen-cung-nhau

Bản ghi lời "Hứa hẹn cùng nhau"

Bức tâm thư “Hứa hẹn cùng nhau” của anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm và người em trai Phan Văn Na trước lúc lên đường cũng như những bức thư mà ông gửi về cho gia đình là những bằng chứng khắc họa đậm nét tình yêu rất điển hình của ngườu lính trong chiến tranh – tình yêu với quê hương, đất nước và tình yêu gia đình. Tại Thái Bình đã có một con đường mang tên của người Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Văn Viêm. Đất nước đã ghi tên những người anh hùng như thế.

Nuốt tài liệu vào bụng

Sau khi Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, địch điên cuồng bố ráp, lùng bắt cán bộ ta cài lại. Ban An ninh H5 và đội công tác A25 lúc này được giao nhiệm vụ trụ bám phía Tây Bắc thị xã Kon Tum.

Với quân đội, chiến công là những chiến thắng vẻ vang. Còn đối với lực lượng an ninh hoạt động trong lòng địch, đó là những chiến công thầm lặng, là gây dựng được cơ sở, là diệt trừ những tên ác ôn khét tiếng mà nhiều khi, chiến tranh kết thúc rồi người lập chiến công mới được ghi nhận.

Một trong những công việc cực kì khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ an ninh trong lòng địch lúc này là phải củng cố, xây dựng cho được cơ sở cách mạng bí mật, rộng khắp, vững chắc để tạo thành hành lang bí mật cho lực lượng ta thâm nhập vào nội thị hoạt động thường xuyên, và cũng sẽ là bàn đạp khi ta mở chiến dịch tấn công vào sào huyệt địch ở nội thị. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Nhiệm vụ của Ban An ninh H5 của Trưởng ban Phan Văn Viêm lại càng nặng nề hơn. Chỉ trong một thời gian, H5 đã củng cố được các cơ sở cũ, xây dựng được nhiều cơ sở mới hoạt động tốt ngay trên các địa bàn mà địch bố ráp nghiêm ngặt.

Liên tục bị mất người, biết rõ có sự tồn tại của lực lượng an ninh ta, địch mở hàng loạt chiến dịch bố ráp toàn vùng. Đến ngày 29/10/1971, sau khi sinh hoạt với cơ sở để nắm tình hình địch và rút xuống hầm bí mật, Trưởng ban An ninh Phan Văn Viêm và Phó ban Lê bị địch phát hiện. Bọn chúng huy động một lực lượng lớn cảnh sát dã chiến và cả trực thăng quần thảo trên đầu, kêu gọi đầu hàng.

Biết khó có thể ẩn náu thêm được nữa, Trưởng ban Viêm và phó ban Lê bàn nhau nuốt hết tài liệu vào bụng, mỗi người một khẩu AK, đạp nắp hầm bật lên, bắn xả về phía địch. Do lần này địch quá đông, lại trang bị tốt hơn, cả hai đồng chí đều anh dũng hi sinh. Quá tức tối trước sự hi sinh quả cảm của cán bộ ta, địch đã dùng dây điện lõi thép trói tay hai đồng chí vào sau xe, kéo lê thi thể hai chiến sĩ an ninh của ta khắp thôn để thị uy. Đến chiều tối, chúng sai người đem chôn các anh ở một địa điểm bí mật.

Con trai của ông Trần Ngõ, người địa phương được bọn địch sai đi chôn bí mật các liệt sĩ, đã thực hiện tâm nguyện day dứt của cha là chỉ nơi an nghỉ của các liệt sĩ, giúp gia đình đưa liệt sĩ về với quê hương và hiện nay đã trở thành người nhà thân thiết của gia đình ông.

Hoàng Hà

(Theo Những kỷ vật lịch sử Công an Nhân dân)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến