Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thái Lan thí điểm chương trình “Hộp cát: Vùng an toàn trong trường học” từ ngày 15/11. Philippines cùng ngày bắt đầu thí điểm cho học sinh 100 trường trở lại học trực tiếp. Chính phủ Lào cho phép các trường học trên cả nước được mở cửa trở lại.
Hàn Quốc sẽ nối lại việc giảng dạy và học tập trực tiếp tại trường từ ngày 22/11. Đó cũng là thời điểm 17 huyện, thị xã thuộc “vùng xanh” của Hà Nội được mở cửa đón học sinh lớp 9.
Có thể nói việc hàng loạt quốc gia châu Á nỗ lực mở cửa trở lại trường học an toàn nhằm thực hiện kế hoạch "Sống chung với COVID-19" là “những vùng sáng” trong bức tranh dịch COVID-19 trên thế giới 7 ngày qua, khi châu Âu vẫn trong "vùng tối" dịch bệnh.
Đẩy mạnh tiêm chủng cho học sinh là điều kiện tiên quyết để các nước châu Á mở cửa lại trường học.
Tại Thái Lan, chương trình “Hộp cát: Vùng an toàn trong trường học” bắt đầu được triển khai tại vùng đô thị Bangkok (BMA) sau khi hơn 80% học sinh trung học cơ sở ở khu vực này được tiêm vaccine và số lượng các ca mắc mới theo ngày giảm.
Để chuẩn bị mở cửa trường học, Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ đầu tháng 10 với mục tiêu bao phủ hơn 5,04 triệu học sinh trên toàn quốc.
Các trường cũng phải vượt qua đợt kiểm tra về mức độ sẵn sàng mở cửa trở lại trong điều kiện có những hạn chế để phòng chống đại dịch, với ít nhất 85% giáo viên và nhân viên phải được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Philippines chính thức khởi động chiến dịch tiêm phòng cho nhóm 12-17 tuổi từ ngày 15/10, ưu tiên tiêm cho 1,2 triệu người đủ điều kiện. Trong khi đó, từ đầu tuần này, Lào bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho nhóm từ 12-17 tuổi.
Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đang gấp rút soạn thảo 10 điều kiện và các biện pháp liên quan đến kiểm soát COVID-19 trong trường học để có thể sớm mở lại các trường trên cả nước.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em được triển khai từ cuối tháng 10, tới nay đã có hơn 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm cho nhóm từ 12-17 tuổi tại 17 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học ngay trong năm 2021.
Khi mở cửa trường học, các nước đều chọn phương án thận trọng từng bước với các biện pháp phòng chống dịch cụ thể. Đơn cử như tại Thái Lan, số học sinh tối đa cho mỗi lớp được giới hạn là 25 người. Học sinh sẽ phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1,5 mét.
Trong trường hợp phát hiện ca mắc COVID-19, lớp học đó sẽ phải đóng cửa 3 ngày để khử khuẩn và theo dõi các diễn biến liên quan.
Nếu có hơn một lớp phát hiện ca mắc, nhà trường có thể đóng cửa toàn bộ khối học trong 3 ngày.
Các trường sẽ tổ chức hoạt động theo hình thức “bong bóng,” sử dụng hệ thống thông gió và quản lý chất thải tiêu chuẩn, chuẩn bị sẵn cơ sở cách ly, tạo các lối đi khép kín cho học sinh và nhân viên và thiết lập hệ thống Thẻ thông hành học đường khi học sinh và nhân viên phải thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên ATK 7 ngày/lần.
Philippines chọn 100 trường công để mở cửa thử nghiệm trong 2 tháng, chủ yếu là ở những cộng đồng đảo, núi xa xôi được xem là có nguy cơ dịch bệnh thấp, với các cấp học từ mẫu giáo tới trung học.
Quy mô và thời gian học được giới hạn, với các quy định nghiêm ngặt về đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.
Các nước cũng tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng cho trẻ em để sớm mở cửa trở lại trường học.
Chỉ trong 7 ngày qua, Vienna (Áo) đã trở thành thành phố đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU) triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Canada đã phê duyệt vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi. Đây cũng là vaccine được Israel chọn tiêm cho nhóm tuổi này. Mexico quyết định tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm từ 15-17 tuổi.
Cùng với những lớp học “sáng đèn” trở lại, các nước cũng đang dựa vào hoạt động tiêm chủng để vực dậy ngành du lịch. Indonesia cân nhắc tham gia "Làn du lịch đã tiêm chủng," Lào xem xét mở “Vùng xanh du lịch” đối với du khách đã tiêm chủng.
Malaysia ngày 15/11 công bố Trình tự vận hành tiêu chuẩn (SOP) đối với Chương trình Thí điểm du lịch quốc tế Langkawi, theo đó khách nước ngoài đã hoàn thành tiêm chủng tới Langkawi du lịch phải ở lại đây ít nhất 3 ngày và những ai đã tham quan Langkawi hết 7 ngày có thể rời hòn đảo này đi du lịch nơi khác.
Ấn Độ miễn cách ly đối với những du khách đã tiêm đủ liều vaccine đến từ 99 quốc gia có thỏa thuận đi lại song phương. Campuchia cũng áp dụng biện pháp tương tự.
Trong khi đó, Việt Nam ngày 20/11 đã đón đoàn 204 du khách quốc tế "hộ chiếu vaccine" đầu tiên đến Phú Quốc trong giai đoạn "bình thường mới" sau gần 2 năm "đóng băng" vì dịch COVID-19.
Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" tại Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch, từng bước mở cửa và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Trái với không khí “dần mở cửa trở lại” đang diễn ra ở châu Á, xu thế “siết chặt trở lại” biện pháp hạn chế lại đang được nhiều nước châu Âu áp dụng khi đây là khu vực duy nhất chứng kiến số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 cùng tăng trong tuần qua, lần lượt ở mức 15% và 5%.
Tốc độ tăng số ca mắc và tử vong ở châu Âu “đóng góp” chủ yếu trong hơn 3,6 triệu ca mắc mới COVID-19 (tăng 9% so với tuần trước đó) và hơn 49.800 ca ca tử vong (tăng 0,2%) trên thế giới trong 7 ngày qua.
Áo là quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn chuỗi lây lan dịch bệnh, khi ngày 18/11 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày lần đầu tiên vượt 15.000 ca.
Quyết định phong tỏa toàn quốc (lần thứ ba) này có hiệu lực trong ít nhất 10 ngày kể từ 22/11 và chỉ được dỡ bỏ khi tỷ lệ lây nhiễm giảm.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vienna, Áo, ngày 10/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tình hình dịch vượt tầm kiểm soát cũng khiến Áo sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với tất cả người dân.
Đức, quốc gia có dân số lớn nhất EU, hiện là điểm tối nhất về COVID-19 ở châu Âu, khi số ca mắc mới và tử vong trong tuần qua đều tăng cao lần lượt ở mức 33% và 22%, các bệnh viện đều đã quá tải.
Số ca mắc mới liên tục hơn 65.000 ca/ngày, cao nhất từ trước tới nay, Viện Robert Koch cảnh báo “một mùa Giáng sinh khủng khiếp” đang tới gần “nếu không khẩn cấp xoay chuyển tình thế.”
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 19/11 thừa nhận tình hình dịch bệnh đang trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm trong tuần này nghiêm trọng hơn tuần trước và không thể loại trừ khả năng áp đặt “tình trạng khẩn cấp quốc gia."
Nhiều bang đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng.
Hội đồng Liên bang Đức (Thượng viện) đã thông qua những điểm sửa đổi trong Luật Phòng chống lây nhiễm, theo đó sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn như áp đặt quy định 3G (đã tiêm, đã phục hồi và xét nghiệm âm tính) trên các phương tiện giao thông công cộng và tại nơi làm việc.
Không chỉ Đức và Áo, nhiều nước châu Âu khác cũng đã điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo hướng siết chặt hơn đối với những người chưa tiêm phòng.
Những người chưa tiêm phòng không được đến nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập gym… tại Hy Lạp kể cả khi họ có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2.
Tại Cộng hòa Séc, chỉ có những người đã tiêm phòng hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 trong 6 tháng qua mới được phép đến các quán bar, nhà hàng, khách sạn hay sử dụng các dịch vụ khác.
Đan Mạch đã nối lại yêu cầu xuất trình thẻ thông hành y tế khi đến địa điểm công cộng sau 2 tháng tạm dừng biện pháp này, dù quốc gia Bắc Âu đã có 85,9% dân số trên 12 tuổi được tiêm phòng đầy đủ.
Lệnh hạn chế đối với người chưa tiêm vaccine cũng được đưa ra tại các nước khác như Slovakia, Hungary, Bulgaria...
Bức tranh với những vùng sáng-tối đan xen ở châu Á và châu Âu trong tuần qua là lời cảnh tỉnh rằng thế giới lúc nào cũng phải cảnh giác với chủng virus SARS-CoV-2 luôn biến đổi và có khả năng gây ra những đợt dịch mới phức tạp, khó lường, đòi hỏi chính phủ các nước cần linh hoạt, chủ động điều chỉnh chính sách chống dịch nếu muốn “sống chung an toàn” với COVID-19./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy