Nhiều công ty sở hữu các khu công nghiệp lớn trên cả nước vừa đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý II/2023 ghi nhận kết quả khả quan, qua đó cho thấy "cửa sáng" của phân khúc bất động sản này.
Doanh thu, lợi nhuận tăng bằng lần
Một doanh nghiệp thuộc Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (HoSE: SNZ) vừa mới công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với sự tăng trưởng vượt bậc, đạt mức lợi nhuận kỷ lục mới là CTCP Sonadezi Giang Điền (HoSE: SZG).
Theo đó, trong quý II/2023, Sonadezi Giang Điền đạt doanh thu thuần 165 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là ghi nhận tăng trưởng tích cực ở mảng cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng các khu công nghiệp.
Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính cũng bật tăng 150% so với cùng kỳ lên 5,6 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại được tiết giảm triệt để gần 95%, chưa chiếm đến 90 triệu đồng.
Với hàng loạt chỉ tiêu tài chính thuận lợi, công ty nằm trong hệ sinh thái Sonadezi báo lãi sau thuế tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt gần 70 tỷ đồng - thiết lập mức lãi kỷ lục mới kể từ khi niêm yết.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản công nghiệp này đã thu về 250 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 44% và 120% so với cùng kỳ. Theo đó, công ty cũng đã hoàn thành được 60% kế hoạch doanh thu và 91% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2023.
Tổng tài sản của doanh nghiệp tại cuối quý II/2023 đạt 3.743 tỷ đồng, có xu hướng gia tăng so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản tiền và các khoản tương đương tiền tăng đột biến 77% sau 3 tháng lên gần 100 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 19% lên mức 101 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty gần như đi ngang so với đầu năm, ghi nhận 3.017 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng tài sản và cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Vay và nợ thuê tài chính ghi nhận chỉ chiếm 273 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp chủ yếu nằm ở các khoản nợ dài hạn, chiếm tới 2.610 tỷ đồng, trong đó phần lớn là doanh thu chưa thực hiện dài hạn 2.383 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây đa phần là các khoản khách hàng trả trước tiền thuê đất, thuê hạ tầng, nhà xưởng tại khu công nghiệp Giang Điền và tiền thuê văn phòng tại cao ốc Sonadezi.
CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Idico (HoSE: HTI) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu gần 111 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với mức 104 tỷ của cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng đột biến gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 570 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Trong khi đó các khoản chi phí hoạt động gần như không đổi so với quý II năm trước nên sau khi trừ các khoản thuế phí, Hạ tầng Idico công bố lãi sau thuế 14,8 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ và là mức lãi quý cao nhất tính từ đầu năm 2022 đến nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hạ tầng Idico đạt 216,3 tỷ đồng doanh thu và 28,6 tỷ lãi ròng, tăng lần lượt 6% và 4% so với cùng kỳ.
Năm 2023, công ty đề ra kế hoạch doanh thu gần 427 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Như vậy so với kế hoạch, doanh nghiệp “họ” Idico đã hoàn thành được khoảng 51% kế hoạch kinh doanh đề ra.
Doanh thu tăng chậm nhưng lợi nhuận vẫn "tăng tốc"
CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (HoSE: NTC) cũng công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 60,1 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận từ kinh doanh bất động sản đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).
Ở chiều ngược lại, doanh thu tài chính của công ty lại tăng 59%, trong đó, ngoài ghi nhận lãi tiền gửi, lãi cho vay như cùng kỳ (với giá trị giảm 24%), công ty cũng có thêm cổ tức, lợi nhuận được chia từ CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG và lãi bán hàng trả chậm.
Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Nam Tân Uyên vẫn đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, ghi nhận 75,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 118 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận sau thuế 155,3 tỷ đồng, tăng 1,4%.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 284,45 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm công ty đã hoàn thiện 54,6% chỉ tiêu năm nay.
Tổng Công ty Sonadezi Long Thành (HoSE: SZL) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả khả quan so với cùng kỳ.
Cụ thể, quý II/2023 công ty thu về 107,8 tỷ đồng doanh thuần, tăng 3% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ khoản cho thuê nhà xưởng Khu công nghiệp Long Thành (38,6 tỷ đồng), tiếp đó là doanh thu kinh doanh nước và xử lý nước thải (35,1 tỷ đồng) cùng nhiều khoản thu khác.
Bên cạnh doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi có sự khởi sắc, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng ghi nhận tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên gần 4,5 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ ghi nhận 2,1 tỷ đồng), nhờ tăng khoản lãi từ tiền gửi có kỳ hạn.
Doanh thu có sự tăng trưởng nhưng các khoản chi phí lại gần như đi ngang, thậm chí còn được tiết giảm giúp Sonadezi Long Thành báo lãi cao hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 22 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sonadezi Long Thành ghi nhận doanh thu thuần tăng 3%, đạt 210,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt 45,7 tỷ đồng.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 90,3 tỷ đồng, như vậy, với kết quả trên, sau 6 tháng đầu kinh doanh, đơn vị trên đã thực hiện được 50,6% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tổng tài sản của doanh nghiệp này tại thời điểm 30/6/2023 vẫn giữ trên mức 1.968 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Tuy nhiên, tiền và tiền gửi ghi nhận giảm 19%, về gần 283 tỷ đồng, chủ yếu do giảm khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và giảm khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng.
Trong khi đó, hàng tồn kho (chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) tăng 50% lên 116 tỷ đồng. Nguyên do bởi gia tăng chi phí san lấp, xây dựng các hạng mục dở dang thuộc Khu dân cư Tam An.
BĐS công nghiệp còn nhiều dư địa phát triển
Diễn biến tích cực trong kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp trên cho thấy cửa sáng của phân khúc này trong thời gian sắp tới trước bối cảnh toàn thị trường vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Bất động sản công nghiệp có nhiều dư địa phát triển trong bối cảnh toàn thị trường gặp khó.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước tiếp tục duy trì đà tăng, hiện đạt mức trên 80%.
Trong đó, khu vực phía Nam dẫn đầu cả nước khi đạt trung bình 85%, khách thuê thuộc các ngành sản xuất ô tô, may mặc và bao bì nằm trong số những nhóm ngành tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, kho và xưởng xây sẵn ở miền Nam. Ngoài ra, Bình Dương cũng là địa phương có tỉ lệ lấp đầy cao nhất, đạt trên 95%.
Phía VARS dự báo, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa hoàn thành và khởi công trên toàn quốc, cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam. Ở phía Bắc, cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang và dự án Vành đai 4 sẽ giúp kết nối các tỉnh phía Bắc tốt hơn nữa.
Hệ thống đường Vành đai 3 ở phía Nam và các cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, Tp.HCM, và khu vực còn lại của vùng Đông Nam Bộ.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy