Trông chờ ở quý II/2024
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo, 2024 sẽ tiếp tục là một năm tương đối thách thức với ngành ngân hàng, song với một số tổ chức tín dụng sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận. VDSC kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ đạt 18% so với cùng kỳ, với thu nhập lãi tăng trưởng 19%.
Lợi nhuận ngân hàng được dự báo sẽ khả quan nhờ tín dụng tăng trưởng tốt (đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79%, theo NHNN) khi lãi suất cho vay hợp lý hơn và kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kéo theo nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Trong khi đó, lãi suất huy động có tăng, nhưng vẫn ở mức khá thấp nên NIM toàn ngành sẽ phục hồi nhẹ và góp phần vào tăng trưởng thu nhập lãi thuần.
Bên cạnh đó, nguồn thu ngoài lãi, cả với mảng kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng cũng dần đi qua đỉnh điểm của khó khăn. Ngoài ra, chất lượng tài sản có thể cải thiện nhẹ tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Với tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động phục hồi, VDSC dự báo các ngân hàng sẽ có cơ sở để tăng cường trích lập dự phòng nhằm nâng cao khả năng xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tài sản.
Kết quả khảo sát quý II/2024 của NHNN cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá các nhân tố nội tại sẽ tiếp tục có cải thiện so với quý I/2024 và dự kiến tiếp tục cải thiện trong cả năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” với 73,6% TCTD đánh giá là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý I/2024 và dự kiến cho cả năm 2024 (tương tự kết quả điều tra của các quý năm 2023).
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý II/2024 sẽ phân hóa giữa các nhà băng.
Chỉ 5,6% TCTD lo ngại tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “năng lực tài chính của đơn vị” cùng với “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị”.
Các TCTD đánh giá “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý IV/2024 và kỳ vọng cho cả năm 2024, sau đó đến “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị”.
Bên cạnh đó, “sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất tác động tiêu cực làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I/2024 và dự kiến cả năm 2024.
Kết quả điều tra của NHNN cũng cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2024 chưa được như nhận định và kỳ vọng của các TCTD tại kỳ điều tra trước. Các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II/2024, nhưng vẫn thận trọng khi kỳ vọng cho cả năm 2024 với 70,9-72,7% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II/2024 và cả năm 2024.
Các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024 với 57,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với quý I/2024, 30,9% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 11,8% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm.
Chứng khoán MB (MBS) đưa ra nhận định rằng, quý II/2024, nhìn chung lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao.
Theo báo cáo mới nhất của MBS, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng chậm lại ở mức 12% so với cùng kỳ, con số này thấp hơn mức tăng trưởng của quý I (14% so với cùng kỳ). Nguyên nhân, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm (1-2% theo yêu cầu của NHNN) trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.
Thu nhập lãi thuần của các ngân hàng vẫn chưa thể tăng mạnh do tăng trưởng tín dụng còn khiêm tốn. Tăng trưởng tín dụng trong quý II dự báo sẽ khả quan hơn so với quý I, MBS ước đến 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 4,17%, cao hơn nhiều so với con số 0,26% cuối quý I nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ…
Sẽ có sự phân hóa mạnh
MBS cho rằng, trong quý II/2024, nhìn chung lợi nhuận sau thuế các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như Sacombank, BIDV.
Các chuyên gia phân tích MBS dự báo, Sacombank sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 4% vào cuối quý II, NIM ở mức 3,5%, lợi nhuận sau thuế ước giảm 21% so với cùng kỳ. Còn BIDV được dự báo lợi nhuận giảm 14% do chi phí dự phòng rủi ro tăng 25%, NIM chưa cải thiện rõ rệt do ngân hàng vẫn đang thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất cho vay ở mức thấp so với toàn ngành. Một số ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank, VPBank, HDBank,... là tiền đề để ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa đầu năm.
LPBank là ngân hàng được MBS kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II, tăng 146% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp của năm trước. Cùng với đó,tăng trưởng tín dụng ước đạt 12,8% nhờ tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Trong khi đó, VPBank cũng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 62% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng tín dụng cuối quý II là 11,5%, NIM của ngân hàng được cho là sẽ đi ngang so với quý I và đạt mức 5,8% trong khi chi phí trích lập dự phòng giảm 15% so với quý I.
MBS cũng dự báo HDBank sẽ đạt mức tăng lợi nhuận là 38% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 9%, NIM được xác định tạo đáy trong 2023 và đang trên đà cải thiện trong 2024.
Một số ngân hàng khác được các chuyên gia MBS dự báo ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý II như Eximbank (tăng 29%), Techcombank (tăng 26%), ACB (tăng 20%), VietinBank (tăng 8%), Vietcombank (tăng 4%),...
Tương tự, lợi nhuận sau thuế VPBank được VDSC dự báo tăng 57,6%, VietinBank tăng 29,8%, Techcombank tăng 22,7% và HDBank tăng 15,2%. VDSC cho rằng, lợi nhuận sau thuế của VPBank sẽ tăng 57,6% trong năm 2024, lên mức 15.845 tỷ đồng, được thúc đẩy nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 19% và chi phí dự phòng giảm 15%.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dẫn đầu hệ thống (17%) kết hợp với hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém sẽ tiếp tục cho phép VPBank nhận hạn mức tín dụng cao so với toàn thị trường. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng của VPBank ở mức 25% trong năm 2024.
Ngoài ra, FE Credit kỳ vọng bắt đầu có lợi nhuận trở lại từ năm 2024 sau hai năm tái cơ cấu toàn diện với điểm nhấn là mở rộng tín dụng trở lại cùng với khẩu vị rủi ro thận trọng hơn, nhằm tăng khả năng kiểm soát chi phí dự phòng nhờ chính sách tín dụng và danh mục cho vay mới.
Còn với VietinBank được VDSC dự báo sẽ đạt 25.959 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận năm 2025 ở mức 36.135 tỷ đồng, vượt qua BIDV (á quân lợi nhuận ngành năm 2023). Với định hướng mở rộng danh mục bán lẻ, tỷ trọng cho vay bán lẻ của VietinBank đã cải thiện đáng kể lên mức 38,4% cuối năm 2023. Vì vậy, VDSC kỳ vọng NIM của VietinBank sẽ lên mức 3%, hỗ trợ tăng trưởng thu nhập lãi trong năm 2024 đạt 20%.
Ngoài ra, sự hồi phục của nhu cầu tín dụng cũng sẽ giúp các nguồn thu nhập ngoài lãi được mở rộng, bao gồm thanh toán, tài trợ thương mại và thu hồi nợ được cải thiện. Do đó, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank trong năm 2024 được VDSC dự phóng tăng trưởng ở mức 18,2% (so với 10% trong năm 2023).
Với Techcombank, VDSC kỳ vọng thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng 24% trong năm 2024 nhờ tác động kết hợp của NIM mở rộng (chủ yếu nhờ chi phí vốn giảm nhanh) và tăng trưởng tín dụng vượt trội so với các đối thủ nhờ hệ sinh thái đối tác doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. VDSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 của ngân hàng sẽ đạt 22.094 tỷ đồng, tăng 22,7%; lợi nhuận năm 2025 là 29.017 tỷ đồng.
Với HDBank, VDSC kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục được cấp hạn mức tín dụng cao trên 25%/năm để duy trì thu nhập lãi thuần trong những năm tiếp theo. HDBank là một trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém. Các chuyên viên phân tích dự báo vào năm 2024, thu nhập lãi thuần của HDBank duy trì ở mức cao 28,7%, tăng trưởng tín dụng là 24,3% và NIM khoảng 4,83%.
Tác giả: Vân Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy