Dòng sự kiện:
Bức tranh sáng ngân hàng nhìn từ tín hiệu cổ tức
29/05/2017 18:14:32
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng cơ bản đã kết thúc với sự khép lại của Maritime Bank vào ngày 26/5. Sacombank là một ngoại lệ khi đã 2 lần lỡ hẹn với cổ đông và phải điều chỉnh tới cuối tháng 6 do chưa chốt được nhân sự cấp cao và đang trong giai đoạn tái cơ cấu với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài xu hướng chung là các ngân hàng đều đặt chỉ tiêu kinh doanh cao hơn trong năm nay thì một tín hiệu sáng của ngành cũng thu hút sự chú ý của thị trường đó là câu chuyện cổ tức.

Theo thống kê, có khoảng 15 ngân hàng quyết định trả cổ tức năm 2016 và năm 2017. Trong đó những cái tên có thể kể đến như: MBB, ACB, OCB, VPBank...

Ba “ông lớn” ngân hàng là Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và BIDV (BID) đều trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của cổ đông lớn là Bộ Tài Chính, tỷ lệ 7-8%.

Đáng chú ý, một cái tên lần đầu tiên được đề cập chi trả cổ tức sau 5 năm im hơi lặng tiếng là Maritime Bank (MSB). Với kế hoạch lợi nhuận 165 tỷ đồng và tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu, Maritime Bank dự định sẽ trả cổ tức 5% cho năm 2017.

Ngoài những ngân hàng chăm lo lợi ích cho cổ đông thì cũng còn nhiều ngân hàng dù lãi lớn tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng nhất quyết không chi trả cổ tức với lý do để dành vốn phát triển, để nâng tầm giá trị ngân hàng, qua đó nâng giá trị cổ phiếu cho cổ đông... Cũng không ít trường hợp không được chia cổ tức vì phải tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu và các vấn đề cũ còn tồn đọng.

Phân tích về trường hợp “độc” như của Maritime Bank là chi trả cổ tức sau một thời gian dài nói không với cổ tức, TS. LS Bùi Quang Tín, giảng viên Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các ngân hàng đều đang chịu áp lực từ phía cổ đông khi họ luôn phải so sánh quyền lợi từ cổ tức với tiền gửi ngân hàng hoặc kênh đầu tư khác, cho nên ngân hàng phải đưa ra kế hoạch để giảm áp lực từ phía cổ đông và tăng thêm giá trị cổ phiếu.

Quyết định trả cổ tức cho thấy ngân hàng đã nhìn nhận thẳng thắn hơn về quyền lợi của cổ đông, đồng thời đây cũng là tín hiệu sáng sủa hơn của bản thân ngân hàng. Theo quy định hiện hành, Thống đốc chỉ cho các ngân hàng chia cổ tức khi tuân thủ các quy định về phân loại nợ cũng như trích lập đủ dự phòng rủi ro.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, năm 2016 Maritime Bank lãi trước dự phòng hơn 1,900 tỷ đồng. Để phục vụ cho việc xử lý nợ xấu nhanh chóng, Ngân hàng đã tăng nguồn dự phòng gấp 3.3 lần so với năm 2015 lên hơn 1,700 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế còn lại là 164 tỷ đồng. Dù nhỏ song con số lợi nhuận năm vừa rồi vẫn tăng trưởng 21% so với năm 2015.

Năm 2017 ngân hàng lên kế hoạch xử lý tổng cộng 7,000 tỷ đồng nợ xấu, nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC. Kế hoạch “khủng” này sẽ giúp ngân hàng dọn dẹp sạch sẽ nợ xấu để tạo bước đệm bứt phá trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Không chỉ tạo lập được nền tảng vững chắc, việc xử lý xong nợ xấu cũng sẽ giúp ngân hàng có các khoản hoàn nhập dự phòng bổ sung vào lợi nhuận những năm tới./.

Theo Vietstock

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến