Về nội dung Dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng vừa được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, một chuyên gia tài chính cho rằng với quy định này, lĩnh vực cho vay tiêu dùng sẽ chết vì lãi suất cao ngất ngưỡng.
Ảnh minh hoạ (Internet)
Ý tốt của Ngân hàng Nhà nước?
Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân và đây là khoản vay có độ rủi ro cao. Việc tách phân khúc này ra khỏi hoạt động ngân hàng sang công ty tài chính là để phòng trường hợp nếu có nợ xấu phát sinh, rủi ro lớn thì cũng chỉ khoanh vùng trong công ty tài chính, không ảnh hưởng tới ngân hàng.
Vậy nhưng ý này có thật sự tốt với các ngân hàng hay không? Theo phản hồi từ nhiều lãnh đạo ngân hàng, nếu nội dung này được thông qua sẽ là tổn thất lớn cho các ngân hàng, bởi trong những tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt chủ yếu là vì đã đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân.
Thậm chí, có những ngân hàng, cho vay tiêu dùng chiếm tỷ lệ khá lớn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, như VIB khoảng 46%, Vietcombank là 13,8%, Sacombank với khoảng 30%, TPBank khoảng 30%... Như vậy, nếu cắt đi những nghiệp vụ này, nhiều ngân hàng sẽ thất thu nặng nề. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên bắt buộc các ngân hàng phải “nhả” miếng ngon này ra mà nên quy định khung theo hướng phải đạt được một số điều kiện nào đấy như tiêu chí an toàn vốn, chuẩn cho vay…
Về vấn đề này, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cũng cho rằng nên để cho ngân hàng tự quyết định có quan tâm hay không. Nếu ngân hàng nào quan tâm thì phải sửa lại cho đủ điều kiện của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, có cho vay tiêu dùng hay không nên để ngân hàng tự quyết định việc đó. Nếu ngân hàng nào có bộ phận cho vay và xử lý nợ tốt thì có thể triển khai cho vay tiêu dùng cá nhân.
Lộ sáng những bất cập
Bên cạnh sự bất bình của các ngân hàng về việc có thể phải nhả miếng mồi ngon, thì còn một số vấn đề khác cũng đang cho thấy một sự bất ổn. Trước hết là lãi suất.
Theo một chuyên gia ngân hàng, thường thì lãi suất cho vay của các công ty tài chính rất cao, do chi phí đầu vào của họ cao hơn các ngân hàng, có thể lên tới 40%/năm. Đây là mức lãi suất quá cao khiến người vay khó chấp nhận. Còn với lãi suất trả thẻ tín dụng của các ngân hàng, tuy có thấp hơn nhưng cũng ở mức khá cao, khoảng 25 - 30%/năm. Giờ nếu chuyển hoàn toàn sang cho công ty tài chính, lãi suất cho vay có thể còn cao hơn.
“Với mức lãi suất này có thể “bóp chết” phân khúc cho vay tiêu dùng cá nhân vừa mới phát triển. Ngân hàng Nhà nước cần phải có đánh giá toàn diện để có giải pháp sao cho lãi suất cho vay qua thẻ, tín chấp tối đa ở mức 20%/năm, hoặc cho vay cá nhân tiêu dùng 12%/năm”, vị này bình luận.
Vị này còn cho rằng, thực tế, nếu có chuyển qua cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng thì các công ty tài chính cũng không thể làm được vì theo quy định hiện hành công ty tài chính không được phép mở tài khoản thanh toán, mà chỉ có ngân hàng. Do vậy, nghiệp vụ thấu chi sẽ không thể triển khai được ở công ty tài chính, bởi vì, nếu có phát hành thẻ, công ty tài chính cũng thể thực hiện được nghiệp vụ thấu chi mà chỉ trong giới hạn số tiền được tiêu trong thẻ.
Một bất cập nữa, đó là mục tiêu cơ cấu lại công ty tài chính thông qua quy định nội dung này có thể sẽ thất bại. Nhiều ngân hàng sẽ thành lập công ty tài chính mới thay vì mua lại một công ty đang có sẵn.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết nếu buộc phải lập công ty tài chính mới được cho vay tiêu dùng cá nhân thì ngân hàng sẽ xin thành lập công ty tài chính mới vì ngân hàng đã có nhân sự làm việc này rất tốt.
Ông Khánh cũng cho biết, nếu mà tất cả đều chuyển qua công ty tài chính ngân hàng sẽ ưu tiên phương án xin thành lập mới để quản lý ngay từ đầu. Hơn nữa, hiện nay trên thị trường cũng không có nhiều công ty tài chính tốt để mua và việc thực hiện mua lại cũng không dễ. Ngoài ra, vấn đề nợ xấu cũng rất quan trọng, bởi các ngân hàng không có nhiều kinh nghiệm xử lý nợ xấu của khách hàng phi chuẩn ở công ty tài chính.
Tuy nhiên, cũng không ít ngân hàng săn mua lại công ty tài chính như HDBank đã mua lại Công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF), VPBank mua lại công ty than khoáng sản. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng cho biết đang săn tìm công ty tài chính như SHB, MaritimeBank...
Như vậy, mục tiêu cơ cấu lại công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước cũng gặp khó khăn và thậm chí, thị trường còn xuất hiện nhiều hơn con số công ty tài chính cần dẹp bỏ.
Theo Bizlive
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy