Các tuần gần đây, các đội quân dân tộc mạnh mẽ của Myanmar đã hợp lực kháng chiến, mở các cuộc tấn công lớn với sự phối hợp chưa từng có tiền lệ, đánh chiếm các thị trấn chiến lược ở biên giới, các vị trí quân sự chủ chốt và các tuyến thương mại sống còn ở quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Các chiến binh của lực lượng phiến quân Myanmar Ta’ang. Ảnh: AFP.
Matthew Arnold - một nhà phân tích độc lập về Myanmar cho biết, phong trào phản kháng đang “tập trung vào chiếm các thị trấn lớn nhằm đánh bại quân chính phủ một cách căn bản”.
Một cuộc tiến công mang tên Chiến dịch 1027, do liên minh 3 đội quân dân tộc hùng mạnh ở Đông Bắc Myanmar phát động vào cuối tháng 10/2023, đã phát triển thành một chiến dịch toàn quốc để giành quyền kiểm soát đối với các thị trấn và khu vực ở miền Bắc, miền Tây và miền Đông Nam của Myanmar.
Nội chiến giữa các chính phủ quân sự kế tiếp ở Myanmar và các đội quân dân tộc ở nước này đã dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Nhưng đợt leo thang lần này diễn ra sau khi có phong trào phản kháng toàn quốc đối với cuộc đảo chính của quân đội Myanmar vào tháng 2/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Kể từ sau đảo chính, các trận chiến đã nổ ra hàng ngày giữa quân đội chính phủ và các nhóm kháng cự đứng về phe “chính phủ đoàn kết quốc gia” lưu vong chống chính quyền quân sự. Quân đội chính phủ đã tiến hành không kích hàng loạt các mục tiêu mà họ gọi là “khủng bố”, khiến nhiều người thương vong và khoảng 2 triệu người phải di tản.
Mặc dù chưa lan tới các thành phố lớn, leo thang xung đột lần này (tính từ ngày 27/10) là một bước ngơặt trong phong trào kháng cự. Theo Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, đụng độ vũ trang hiện nay là lớn nhất về quy mô kể từ cuộc đảo chính năm 2021.
Trao đổi với CNN, Bo Nagar - tư lệnh “Quân đội cách mạng quốc gia Miến Điện” (BNRA) cho rằng đây là sự khởi đầu cho quá trình kết thúc sự tồn tại của Hội đồng Hành chính quốc gia.
Bước ngoặt mới
Công bố cuộc tấn công tháng 10, Liên minh ba bên (gồm “Quân đội Giải phóng quốc gia Ta’ang”, “Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar Kokang” (MNDAA), “Quân đội Arakan” (AA) và các lực lượng dân quân liên minh với 3 nhóm lớn, tuyên bố họ quyết tâm thay đổi chính quyền hiện tại.
Bên cạnh đó, liên minh này còn thề sẽ đấu tranh chống “nạn gian lận đánh bạc trực tuyến lan tràn ở Myanmar, đặc biệt là dọc theo biên giới Trung Quốc - Myanmar”.
Lực lượng phiến quân này cho biết, chiến tranh trên nhiều mặt trận đang kéo căng lực lượng của quân đội chính phủ, đẩy họ vào thế phòng thủ, đặc biệt là ở Đông Bắc.
Trong một hội nghị quốc phòng an ninh với giới tướng lĩnh hàng đầu vào đầu tháng 11 vừa qua, Tổng thống chính quyền quân sự Myanmar Myint Swe cảnh báo: “Nếu chính quyền không quản lý hiệu quả các sự cố xảy ra ở vùng biên giới, đất nước sẽ chia tách nhiều vùng khác nhau”.
Reuters cho hay, chính quyền Myanmar thừa nhận đã thực hiện các “cuộc tấn công lớn”, đã chỉ đạo nhân viên chính quyền và những ai có kinh nghiệm quân sự ở thủ đô chuẩn bị phục vụ nghĩa vụ trong tình huống khẩn cấp. Myanmar cũng đã thiết quân luật ở một số thị trấn Đông Bắc. Quân đội Myanmar tuyên bố “sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực”.
Các thị trấn chủ chốt
Các chiến binh phong trào phản kháng chia sẻ với CNN rằng ở các vùng biên giới miền núi phía Bắc của bang Shan, chính quyền đã mất kiểm soát đối với ít nhất 6 thị trấn bao gồm Chin Shwe Haw và Kunlong - 2 thị trấn biên giới chiến lược về thương mại và vận tải với Trung Quốc, các tuyến đường lớn, và hơn 100 tiền đồn và doanh trại quân sự. Truyền thông độc lập địa phương cũng cung cấp các thông tin tương tự.
Các tuyến giao thông huyết mạch trên khi bị cắt đứt sẽ là đòn giáng mạnh vào nguồn thu của chính quyền Myanmar hiện bị nhiều nước phương Tây trừng phạt về tài chính.
Liên minh kháng chiến nói trên tuyên bố đã kiểm soát được thị trấn Chin Shwe Haw và các con đường dẫn tới thị trấn Muse mà tới 98% thương mại xuyên biên giới của Myanmar với Trung Quốc, tương đương với 2,2 tỷ USD đi qua trong thời gian từ tháng 4-10/2023, theo các số liệu của Myanmar.
Ở bang Rakhine miền Tây, nhóm vũ trang dân tộc thiểu số Arakan đã nối lại chiến sự sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài một năm đã tan vỡ, tạo thêm một mặt trận mới.
Giới phân tích cho biết, có dấu hiệu cho thấy quân đội Myanmar hiện bị căng mỏng lực lượng và không có đủ nhân lực cũng như năng lực tác chiến cần thiết để tái chiếm các thị trấn, các vị trí đã mất dù họ có dựa vào không quân và trọng pháo.
Ye Myo Hein - nghiên cứu viên tại Viện Hòa bình Mỹ và Trung tâm Wilson, nói: “Không dễ dự báo kết quả của tiến trình quân sự hiện nay nhưng có một điều chắc chắn là Chiến dịch 1027 đã thao đổi thế cân bằng quân sự theo hướng có lợi cho phong trào phản kháng”.