Dòng sự kiện:
BVSC: Nhóm ngân hàng tăng trưởng chậm lại năm 2019 nhưng cp đang bị định giá thấp
28/11/2018 08:03:54
Lãi ròng của các ngân hàng niêm yết trong năm 2019 theo dự báo của BVSC sẽ chỉ tăng trưởng 13,5%. Nhưng xu hướng giảm thời gian dài vừa qua đã đưa cổ phiếu nhóm này về mức hấp dẫn.

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng nhóm ngân hàng có thể chậm lại trong năm tới. Tuy nhiên, CTCK này cũng lưu ý cổ phiếu đã quay về vùng giá về mức hấp dẫn.

Lợi nhuận ngân hàng niêm yết năm 2019 dự báo tăng 13,5%

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng tưởng lợi nhuận năm tới là đà tăng chậm lại của tín dụng. BVSC dự báo tín dung trong 3-5 năm tới sẽ duy trì mức tăng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017 (trung bình 18,1%).

Ở phía cầu tín dụng, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp có thể giảm tốc do dự báo về sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế năm 2019 (6,4-6,5%). Cùng đó, việc lãi suất dự báo tăng nhẹ cũng ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Trong khi đó, ở bên cung, tín dụng bất động sản sẽ bị siết lại khi hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản tiếp tục được nâng lên 250% vào đầu 2019. Từ năm 2017 đến nay, dư nợ cho vay tài trợ dự án bất động sản cũng đã tăng chậm lại theo lộ trình tăng hệ số rủi ro đối với lĩnh vực này.


Tỷ trong cho vay kinh doanh bất động sản giảm đáng kể

Ngoài ra, ngân hàng còn cần giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% vào đầu 2019. Hơn nữa, nếu muốn đạt được tiêu chuẩn Basel II, BVSC ước tính các ngân hàng niêm yết cần tăng vốn khoảng 237.000 tỷ đồng trong 2018-2019 để đáp ứng được mức tăng trưởng tín dụng 14-15%/năm. Nhu cầu vốn lớn nhất tập trung ở CTG, LPB và STB với mức tăng vốn bình quân mỗi năm lần lượt là 22%, 16% và 13%/năm.

Tín dụng gặp thách thức ở cả hai chiều cung cầu. Cùng với đó, NIM toàn ngành 2019 theo dự báo của BVSC cũng sẽ chỉ duy trì ở mức 3,2% trong khi năm 2018 NIM các ngân hàng tăng bình quân 0,16% nhờ tốc độ tăng lãi suất đầu ra lớn hơn lãi suất đầu vào và tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) tăng.

Tốc độ tăng lãi suất đầu ra vượt đầu vào và tỷ lệ LDR tăng giúp NIM các ngân hàng cải thiện trong năm 2018

Hai yếu tố có thể tác động tiêu cực tới NIM năm tới là việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phải về 40% từ đầu năm 2019 và nguồn vốn giá rẻ từ Kho bạc Nhà nước do tình hình giải ngân đầu tư công tốt hơn.

Tỷ lệ LDR theo Thông tư 36 tại phần lớn các ngân hàng vẫn đang ở mức thấp hơn so với quy định. Do đó, các ngân hàng vẫn còn room để đẩy tỷ lệ LDR lên mức cao hơn. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sẽ gặp áp lực giảm NIM trong 2019 do tỷ lệ này đang chạm ngưỡng quy định như BID, CTG và VPB.

Rủi ro tăng nợ xấu chưa cao

Rủi ro nợ xấu tăng trở lại chưa cao do tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính bằng giá trị dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu hiện tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý về các ngân hàng sở hữu công ty tài chính tiêu dùng. Thống kê của CTCK này cho thấy nợ nhóm 2 của nhóm nhà băng này có xu hướng tăng.

VCB và CTG có nguồn lực để xử lý nợ xấu tốt hơn so với BID, và cũng đã xử lý xong toàn bộ trái phiếu VAMC. Khả năng tăng nợ xấu trong 2019 là có, tuy nhiên không quá lớn do

Tỷ lệ nợ nhóm 2 tại môt số ngân hàng như VCB, CTG, TCB, TPB... ghi nhận xu hướng giảm kể từ 30/9/2017. BVSC đánh giá rủi ro nợ xấu tại các nhà băng này tăng mạnh trong 2019 không lớn.

Ngoài ra, số nợ được bán cho VAMC phần lớn trong năm 2014 và 2015 dự kiến đáo hạn vào 2019 và 2020. Tuy nhiên, số nợ này lại tập trung ở những ngân hàng đang tái cơ cấu nên có thể có thời gian xử lý trái phiếu VAMC dài hơn 5 năm. Lợi nhuận tốt của 2018 vừa qua có thể giúp các ngân hàng có nguồn lực trích lập nốt số trái phiếu VAMC đã mua năm 2014. Tính đến thời điểm hiện tại, 5 ngân hàng gồm VCB, ACB, MBB, TCB, CTG đã trích lập hết và tất toán trái phiếu VAMC.

Nhờ chi phí dự phòng giảm, hiệu quả hoạt động tín dụng năm 2019 tới có thể cải thiện được hiệu quả, giúp mở rộng lợi nhuận từ mảng kinh doanh này.

Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều ngân hàng đã ghi nhận nhiều mảng kinh doanh khác cũng tăng trưởng mạnh trong năm 2018 như hiện thực hóa trái phiếu đầu tư, lãi đột biến từ bancassurance và thu từ xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, các nguồn thu đột biến dự báo sẽ không còn nhiều như năm trước.

BVSC dự báo LNST nhóm ngân hàng niêm yết tăng 13,5% trong 2019. BID được kỳ vọng sẽ có thuận lợi hơn trong 2019 do tập trung xử lý hết tồn đọng trong 2018. VCB có thể có nguồn thu đột biến liên quan đến bancassurance; ACB thu hồi từ thanh lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, BVSC cho rằng tốc độ tăng trưởng của hầu hết ngân hàng này sẽ không còn cao như năm trước.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2019

P/B về tiệm cận mức bình quân 5 năm, hấp dẫn hơn khu vực

Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã quay trở về mặt bằng đầu năm 2018. P/B vẫn đang cao hơn nhưng tiệm cận gần hơn mức bình quân 5 năm gần đây. So sánh tương quan giữa P/B với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vẫn đắt hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khi so sánh mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, theo dự báo của BVSC, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang bị định giá thấp.


Định giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam dựa trên ROE 2019

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến