Dòng sự kiện:
Cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong tuần qua
17/04/2022 11:21:21
Khép lại tuần này, chỉ số S&P 500 giảm 2,1% còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 2,6%, cả hai đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Hoạt động giao dịch tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ đã khép lại tuần bị rút ngắn do nghỉ lễ với mức giảm được ghi nhận ở cả ba chỉ số chính.

Khép lại tuần này, chỉ số S&P 500 giảm 2,1% còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 2,6%, cả hai đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8%, đánh dấu tuần thứ ba giảm liên tiếp. Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 15/4.

Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trong hai phiên liên tiếp đầu tuần này, khi các nhà đầu tư bước vào tuần mới với tâm lý phòng tránh rủi ro, do lợi suất trái phiếu tăng gây sức ép lên các cổ phiếu có mức tăng trưởng dẫn đầu thị trường, và một báo cáo mới cho thấy lạm phát Mỹ vẫn đang tăng khá “nóng.”

Báo cáo mới nhất cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ một năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.

Theo cơ sở so sánh từng tháng, Chỉ số giá tiêu dùng của nước này cũng tăng 1,2% so với mức của tháng Hai.

Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy đầy đủ cú sốc do cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vốn đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng đột biến trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Phố Wall đã có một phiên giao dịch sôi động ngày 13/4, khi các thị trường chào đón dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang đạt đến mức đỉnh điểm, dù cho điều này làm tăng dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có hành động tích cực hơn để kiềm chế giá cả.

Nhưng ngay phiên sau đó, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều nối lại đà giảm điểm, khi các cổ phiếu công nghệ sụt giảm trước những lo ngại về triển vọng lãi suất gia tăng.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm nối lại đà tăng lên trên mức 2,8% sau khi giảm trong phiên trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ được xem là một chỉ báo cho lãi suất.

Tuy nhiên, dù Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất nhanh hơn để giảm bớt áp lực lạm phát, chính sách đó sẽ không có tác động ngay lập tức. Nhà kinh tế Joel Naroff dự đoán lạm phát có thể ở mức vừa phải trong giai đoạn tới, chủ yếu vì đã không còn một số yếu tố thúc đẩy mức tăng lớn nhất.

Chuyên gia Naroff nhấn mạnh lại rằng vì chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ, thị trường không nên mong đợi những cải thiện lớn trong vấn đề lạm phát ngay cả khi Fed “mạnh tay” nâng lãi suất./.

Tác giả: Khánh Ly

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến