Làm gì để nông sản được lưu thông, tiêu thụ an toàn?
Là một trong những địa phương sản xuất nông sản lớn của miền Bắc cũng như cả nước, hiện nay, Bắc Giang vào vụ thu hoạch của một số loại nông sản chủ yếu như vải thiều, dứa, dưa hấu…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, thời tiết thuận lợi nên vải thiều năm nay được mùa, cho năng suất, chất lượng cao nhất từ trước đến nay...
Đến thời điểm này, tại Bắc Giang, nông dân các huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn bắt đầu thu hoạch vải sớm. Giá vải bán tại vườn hiện khoảng từ 18 - 25.000 đồng/kg, tiêu thụ khá thuận lợi.
Tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, đại diện lãnh đạo UBND xã cho biết, trên địa bàn xã có 20 điểm cân vải, tiêu thụ từ 250 đến 500 tấn/ngày. Vải chủ yếu được các thương nhân thu mua sang thị trường Trung Quốc. Việc thu hoạch, tập kết, vận chuyển tiêu thụ được thực hiện bảo đảm an toàn phòng dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm vườn vải thiều ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vào chiều 31/5
Còn tại huyện Lục Ngạn, thời điểm này mới chỉ có một số diện tích vải sớm tại các xã: Quý Sơn, Tân Mộc, Phượng Sơn, Nam Dương… cho thu hoạch.
Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu Hùng Thảo, thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn là đầu mối thu mua lớn nhất với số lượng từ 18 đến 20 tấn/ngày, giá từ 20 đến 25.000 đồng/kg để giao cho Hệ thống siêu thị Co.opmart.
Năm nay, toàn tỉnh có hơn 6 nghìn ha vải thiều sớm, sản lượng ước đạt hơn 45 nghìn tấn. Diện tích vải sớm tập trung nhiều ở Tân Yên và Lục Ngạn. Dự kiến thời gian thu hoạch vải sớm từ nay đến hết ngày 5/6.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng vừa thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Theo đó, hai tổ này thường trực có mặt tại cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn để nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu.
Các tổ phải thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu vải thiều các quy định, điều kiện về người, phương tiện và hàng hóa vận chuyển, lưu thông đi đến cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.
Được biết, năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 45 nghìn tấn vải sang thị trường Trung Quốc. Hiện, lực lượng hải quan của các đơn vị tạo điều kiện thuận nhất giúp thông quan quả vải thiều (vải được ưu tiên qua luồng xanh đi trước, sau khi vải thông quan hết mới đến các hàng hóa khác làm thủ tục).
Trước tình hình đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với 3 kịch bản có thể xảy ra.
Kịnh bản 1: Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn. Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart; các doanh nghiệp chế biến; xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.
Kịch bản 2: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…
Kịch bản 3: Dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn. Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm.
Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, xác định đây là kênh tiêu thụ trong nước chủ yếu, dự kiến tiêu thụ khoảng 60.000 tấn; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống. Tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình tiêu thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô. Tiêu thụ trên Sàn Thương mại điện tử…
Theo ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang, hiện địa phương đang gặp hai cái khó. Một là phương tiện vận chuyển; nếu vận chuyển vào thị trường phía Nam phải có container, bảo quản lạnh nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vận tải e ngại. UBND tỉnh đã mời hiệp hội vận tải vào cuộc, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ Bắc Giang vận chuyển tiêu thụ vải thiều.
Cái khó thứ hai là việc lưu thông qua các chốt trạm kiểm dịch của các tỉnh. Mỗi lần xe của tỉnh Bắc Giang qua, các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh COVID-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi, nếu qua mấy chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.
Ông Thái kiến nghị, việc bố trí phương tiện tỉnh có thể lo được nhưng Bắc Giang đề nghị các tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương qua trạm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu.
Theo báo cáo của UNBD tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 30/5, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt gần 16.500 tấn nhưng việc lưu thông qua các chốt kiểm soát vẫn khó khăn.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ, các cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền để mở rộng thị trường nội địa cho trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía Nam tạo nền tảng bền vững cho những năm tiếp theo", ông Thái nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), năm nay, các nhà nhập khẩu Nhật Bản cam kết nhập khoảng 1.000 tấn vải từ Bắc Giang.
Lô vải thiều 20 tấn mới xuất sang Nhật gần đây được tiêu thụ gần hết trong ngày với giá từ 350 – 500.000 đồng/kg.
Ông Thọ nói thêm: "Trước những phản ứng, đánh giá tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản, thời gian tới, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh xuất khẩu quả vải sang thị trường này".
Theo đó, ngày 26/5, "lô vải thiều không COVID-19" đầu tiên của Bắc Giang đã được xuất khẩu sang Nhật Bản với chất lượng vượt trội, an toàn.
Để mua - bán vải thiều, theo quy định của năm nay, lái xe phải là người không thuộc trường hợp cách ly y tế, âm tính với COVID-19 và được cấp giấy xác nhận có dấu đỏ. Nhiều chốt chặn kiểm tra phòng chống dịch tại thủ phủ vải Lục Ngạn, Tân Yên đã kiểm soát tốt người ra vào vùng vải thiều.
Vải thiều Bắc Giang lên kệ siêu thị Nhật Bản với giá 1.650 Yên/kg.
Đặc biệt, quy trình chế biến vải thiều xuất khẩu đối với thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... cũng được các cơ sở đảm bảo một cách nghiêm túc từ thu mua, đóng gói cho tới vận chuyển. Ngoài những yêu cầu của đối tác như mọi năm, công tác khử khuẩn là điều không thể thiếu.
Tất cả các lô vải thiều Bắc Giang dù tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh COVID-19.
Được biết, đến nay đã có 5 doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Giá tiền các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đồng/kg. Giá bán tại Nhật khoảng 340.000 đồng/kg và hiện đang "cháy hàng".
Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản cho biết, quả vải thiều sớm của Bắc Giang được người tiêu dùng tại Nhật ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon, an toàn.
"Sau chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, được người tiêu dùng thị trường này đánh giá cao, chúng tôi đang tiếp tục thu mua vải để xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày Toàn Cầu xuất khẩu từ 4 – 6 tấn vải thiều sang Nhật", ông Phương nói.
Cũng theo vị này, ngoài đất nước Nhật Bản, doanh nghiệp cũng đang xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tuệ Lâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy