Các chuyên gia hôm qua lên báo phân tích rằng, “cà phê pin” tàn phá hệ thần kinh, xương, răng, gan, thận. Nhưng tôi dám chắc, rằng không cần phải có kiến thức như chuyên gia thì những người sản xuất nó thừa biết họ đang giết khách hàng.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi thấy người Việt “ác” với nhau. Ở Bristol, nơi tôi sống, tôi mới gặp một luật sư chuyên giải quyết những vụ việc nhiều người Việt vị thành niên bị bắt cóc đưa sang Anh. Họ bị buộc phải sống và làm việc bất hợp pháp trong điều kiện tồi tệ ở các tiệm nail người Việt. Vị luật sư ấy, gọi đồng bào tôi là “nô lệ thời hiện đại”.
Nhưng góc khuất đằng sau mà tôi được biết từ những người Việt khác còn kinh ngạc hơn. Nhiều người Việt trốn sang Anh làm nail, kiếm tiền chui, khi bị cảnh sát bắt thì khai mình là vị thành niên, bị bắt cóc ép sang Anh làm nô lệ. Người Việt có ngoại hình nhỏ, khiến cảnh sát Anh tin họ. Khi họ khai bị bắt sang làm nô lệ, nếu không đủ điều kiện được gửi trả về Việt Nam hoặc không có nước châu Âu nào khác nhận, họ sẽ được tạm ở lại Anh bằng nhiều con đường và rồi có thể được nhập tịch. Còn chủ tiệm nail sẽ bị phạt 20 nghìn bảng Anh với mỗi lao động như vậy và có thể bị truy tố, ở tù. Thế là có những chủ tiệm nail này, do ganh ghét chủ tiệm khác, đã âm thầm đi “tố” với cảnh sát là tiệm kia dùng lao động bất hợp pháp hay “nô lệ”, lao động vị thành niên.
Câu chuyện này khiến tôi nhận ra người Việt có thể hại lẫn nhau với nhiều tầng nấc: chủ bóc lột thợ, thợ tố cáo chủ bắt cóc mình rồi ép mình làm nô lệ trong khi họ tự trốn sang Anh đi tìm việc, các chủ tiệm tố cáo lẫn nhau. Đây là một cuộc ăn miếng trả miếng. Không ai là người tốt.
Đó là chuyện ở Anh. Còn ở Việt Nam, “cà phê pin” nếu bị đóng cửa hoạt động, truy tố người đầu trò thì có thể ngăn chặn người ta tiếp tục bán chất độc giết người cho đồng bào mình không? Rau phun thuốc trừ sâu, hoa quả tẩm hóa chất độc hại, thịt thối bán cho nhà hàng, dầu ăn nhiễm độc... đã diễn ra nhiều thập niên nay, quy mô của các vụ phát hiện sau cao hơn vụ trước.
Tôi ngậm ngùi khi nhìn sang một cộng đồng khác, cũng ở Anh. Một người bạn tôi, người Hoa, mở một nhà hàng mới ở đây. Anh chưa vội đăng ký nhà hàng lên mạng quảng bá ngay mà dự định làm sau khi quán “chạy” được một năm, có nhiều khách hàng thân thuộc. Anh bảo, nếu sau này lên mạng, quán bị nói xấu, nhiều khách hàng sẽ vào bênh vực. Anh tự tin: “Môi trường ở đây dễ làm ăn đàng hoàng lắm”.
Tôi thấy nao lòng. Niềm tin ở đó được trao qua đổi lại rồi nhân lên. Người khách tin người chủ làm ăn đàng hoàng, người chủ tin người khách sẽ bảo vệ mình nếu mình đối đãi họ tử tế. Họ cũng sẽ giàu lên, nhưng bằng một con đường khác.
Còn bà con, bạn bè tôi ở Việt Nam, vẫn thường dặn con cái, khi ra đường là phải “coi chừng bị lợi dụng”, đừng để bị thua thiệt, phải nhanh chân tranh giành phần lợi về mình.
Làm sao chúng ta có thể tử tế với nhau hơn khi chúng ta luôn nơm nớp rằng một người qua đường khác sẽ hại mình?
Cà phê trộn chất độc, tạp chất, thực phẩm không dưỡng người mà lại giết người. Nó là chuyện rất lạ ở nhiều nước, nhưng nó đâu phải chuyện lạ ở Việt Nam. Tôi từng nghe chuyện một cục nước đá gần 10 ban, bộ, ngành quản lý, nhưng nước đá vẫn không an toàn. Người ta cho hóa chất vào để nước mau thành đá, tốn ít điện, bán lời hơn.
Thế thì gần chục bộ, ban, ngành ấy làm gì? Họ vẫn kiểm tra, dù chỉ là đột xuất để phát hiện ra “cà phê pin”, chả lụa hàn the, trà sữa hóa chất... Nhưng rất nhiều lần, đại diện các cơ quan này than, họ không đủ người, không có đủ công cụ, cơ chế.
Tôi không bênh họ, nhưng đừng vội đổ lỗi cho những người ăn lương và đảm trách việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi nhiệm vụ đó không dễ khi thực phẩm giết người tồn tại nhờ sự dung túng của chính mỗi người.
Những người công nhân giúp bà Loan pha chế “cà phê pin”, những người bán nguyên liệu cho bà, những người giúp bà phân phối hàng bẩn, những người thân quen với bà... Kể cả những công dân sống quanh đó, dửng dưng đi qua cơ sở sản xuất mỗi ngày, không ai đã là người lên tiếng phát giác, ngăn chặn hành vi tội ác.
Tất cả các người sản xuất thực phẩm bẩn khác, từ rau củ cho đến thịt cá, đã có thể làm việc ác qua nhiều năm, vì không được, bị ai trong số những người gần gũi bên họ mỗi ngày nhắc nhở, cảnh báo, hay khuyên nhủ.
Các cụ có câu “người mua thua kẻ bán”. Người mua không bao giờ biết hết về món hàng mình bỏ tiền ra, còn người bán thì luôn chắc chắn về giá trị món hàng. Giá tiền, trong nhiều trường hợp, khác xa giá trị.
Giá trị ấy, là phần quan trọng tạo nên niềm tin và vốn xã hội của chúng ta. Nó vẫn đang bị bào mòn thay vì phải dày lên theo quy luật thông thường. Và chẳng mấy ai cảm thấy mình có trách nhiệm bồi đắp hay bảo vệ niềm tin.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy