Đây là lệnh ngừng bắn thứ 2 đạt được kể từ khi giao tranh ác liệt tại Sudan nổ ra hôm 15/4. Lệnh ngừng bắn nhân đạo trước đó đạt được hôm 16/4 theo đề xuất của Liên Hợp Quốc.
Tướng Shams El Din Kabbashi, thành viên của Hội đồng quân sự cầm quyền Sudan cho biết các bên đã nhất trí ngừng bắn sau lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken liên quan đến vụ đoàn xe ngoại giao của Mỹ trúng đạn và lệnh ngừng bắn sẽ không được gia hạn sau thời gian trên.
Người đứng đầu nhóm bán quân sự chính tại Sudan cũng xác nhận thông tin, đồng thời cho biết lệnh ngừng bắn nhằm đảm bảo an toàn cho lối đi của dân thường và sơ tán người bị thương.
Khói bốc lên sau giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở thủ đô Khartoum ngày 16/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xung đột tại Sudan nổ ra từ ngày 15/4, bắt đầu từ thủ đô Khartoum và sau đó lan rộng ra nhiều khu vực trên cả nước. Theo Liên hợp quốc, ít nhất 200 người đã thiệt mạng và hơn 2.600 người khác bị thương trong 3 ngày giao tranh. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, gần như không thể cung cấp các dịch vụ nhân đạo xung quanh thủ đô, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế của nước này có nguy cơ sụp đổ.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 18/4 đã kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện cho tiếp cận nhân đạo và chăm sóc y tế: "Các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế không bao giờ được phép trở thành mục tiêu, đặc biệt là trong tình huống như thế này, nơi hàng ngàn dân thường cần được chăm sóc khẩn cấp. Tất cả các bên phải đảm bảo quyền tiếp cận không hạn chế và an toàn với các cơ sở y tế cho những người bị thương và những người cần được chăm sóc y tế. Các nguồn cung cấp mà WHO đã phân phối cho các cơ sở y tế trước khi xung đột leo thang gần đây hiện đã cạn kiệt".
Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hoà Sát đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới nước này. Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Ả Rập, Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD), trong đó Sudan là thành viên và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Mỹ và Liên minh châu Âu đều cho biết hiện chưa có kế hoạch sơ tán nhân viên khỏi Sudan, song khuyến cáo công dân thận trọng. Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang thúc đẩy các nỗ lực trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn nhằm nhanh chóng khôi phục trật tự và an ninh tại quốc gia Đông Phi. Trong khi đó Cơ quan liên chính phủ về Phát triển cho biết, Tổng thống Nam Sudan, Djibout và Kenya sẽ tới Sudan trong những ngày tới./.