Dòng sự kiện:
Các công trình 'băm nát' rừng phòng hộ Sóc Sơn giờ ra sao?
11/06/2019 09:45:16
Liên quan đến việc “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn, lãnh đạo 2 xã Minh Trí và Minh Phú cho biết, theo dự kiến, trong tháng 6 này việc cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng này sẽ hoàn tất.

Liên quan đến việc “xẻ thịt” rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tại 2 xã là thôn Minh Tân (xã Minh Trí) và thôn Lâm Trường (xã Minh Phú), đại diện lãnh đạo 2 xã này cho biết, các công trình vi phạm trật tự xây dựng sẽ được cưỡng chế xong vào tháng 6 này.

Tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú có 18 công trình thuộc diện cưỡng chế, hiện tại đã cưỡng chế, tháo dỡ được 12 công trình. Tất cả các công trình này đều là những công trình kiên cố, hoành tráng của các hộ gia đình từ nơi khác đến mua bán, chuyển nhượng. Các hộ này đều sở hữu và có sổ lâm bạ, hoặc có hợp đồng chuyển nhượng được xã xác nhận với diện tích từ 1.000 - 3.500m2, trong hợp đồng có đất thổ cư... Toàn bộ các công trình này nằm ở các lô thuộc khoảnh 11 và khoảnh 12, thôn Lâm Trường.

Tại thôn Minh Tân có 22 công trình thuộc diện phải cưỡng chế theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc cưỡng chế chưa được thực hiện, dù một số công trình đang xây dựng hoàn thiện đến nay cũng đã bị đình chỉ xây dựng, giữ nguyên hiện trạng.

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Văn Cam, Trưởng thôn Lâm Trường cho biết, phía chính quyền địa phương và thành phố đã tổ chức đối thoại với các hộ dân có công trình thuộc diện phải cưỡng chế. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa tiến triển do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các hộ dân này.

Còn ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân cho biết, xã Minh Trí có tổng diện tích đất rừng 691 ha, đất rừng vẫn nguyên, không người dân nào xây dựng nhà ở trên đó cả. Các hộ dân ở đây chỉ xây dựng nhà ở trên phần đất khai hoang, phục hoá từ năm 1985 và sử dụng ổn định không tranh chấp, nhưng không hiểu sao vẫn có 22 công trình phải cưỡng chế.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết, tính đến thời điểm này, chính quyền xã đã phối hợp với tổ liên ngành huyện Sóc Sơn tổ chức cưỡng chế được 12/18 công trình vi phạm tại thôn Lâm Trường. Theo dự kiến, trong tháng 6 này việc cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng này sẽ hoàn tất.

Ông Tâm cho biết thêm, vì hiện tại văn bản cưỡng chế đã hết thời hạn nên phía xã Minh Phú đang làm văn bản mới xin ý kiến UBND huyện phê duyệt để tiếp tục công tác cưỡng chế theo quy định.

“Quá trình tổ công tác tổ chức cưỡng chế, nhiều người dân bày tỏ quan điểm rằng xuất phát từ nguyên nhân về những bất cập trong công tác quản lý sử dụng đất mà họ mới vi phạm. Sau khi cưỡng chế xong, UBND xã sẽ có văn bản rút kinh nghiệm cũng như đề nghị huyện xem xét giải quyết những kiến nghị của nhân dân”, ông Tâm nói.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vụ việc, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, theo hồ sơ của xã và huyện có 22 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vướng mắc thực tế ở xã là dân đến khai hoang trước, còn rừng có sau. Các hộ dân đến khu vực Đồng Đò xây dựng kinh tế mới từ năm 1985, sau đó phát triển rừng và quy hoạch rừng lại chồng lấn vào đất ở của dân. Sau khi có kết luận của Thanh tra thành phố, nhiều người dân nơi đây không đồng tình.

“ UBND xã Minh Trí đã có báo cáo gửi UBND huyện, UBND thành phố xem xét xin tạm dừng cưỡng chế đối với 22 hộ trong danh sách được cho là vi phạm xây nhà trên đất rừng để giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân”, ông Nhuận nói thêm.

Trước đó, kết luận Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn có gần 1.000 công trình vi phạm đất rừng, trong đó riêng xã Minh Phú và Minh Trí có tới 659 trường hợp vi phạm (xã Minh Phú có tới 164 trường hợp). Tuy nhiên, Thanh tra TP Hà Nội chỉ kiến nghị cưỡng chế ngay đối với các công trình có vi phạm xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2018. Còn đối với các công trình vi phạm từ giai đoạn 2006 - 2016, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị “rà soát hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng đất đai đúng mục đích”.

Theo kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, trên địa bàn 9 xã của huyện sẽ có 68 công trình sai phạm phải xử lý bằng biện pháp cưỡng chế.

Lê Phương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến