Dòng sự kiện:
Các đại gia bán lẻ chạy đua mở nhà thuốc
24/02/2022 12:07:22
Bán lẻ dược phẩm đang phát triển mạnh và dự kiến sự cạnh tranh sẽ tăng cao khi các tập đoàn lớn dồn lực để chiếm lĩnh thị trường còn phân mảnh.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang phát triển mạnh sau khi được FPT Retail mua lại và chính thức chuyển đổi năm 2018. Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy kênh bán hàng này mở rộng theo cấp số nhân.

Năm ngoái Long Châu là động lực tăng trưởng lớn nhất cho FPT Retail khi mang về doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020 và chiếm 18% tổng doanh thu.

Đáng chú ý là doanh thu quý cuối năm đạt đến 1.400 tỷ đồng - gấp 4 lần cùng kỳ và thậm chí cao hơn con số cả năm 2020 là 1.191 tỷ đồng. Nguyên nhân là chuỗi mở thêm 200 shop mới và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân tăng lên.

Điều này cũng giúp Long Châu chính thức có lãi nhẹ trong năm 2021, vượt ngoài kỳ vọng khi kế hoạch ban đầu là có lãi vào năm 2023.


Thế Giới Di Động bắt đầu dồn lực cho nhà thuốc An Khang. Ảnh: MWG.

Cuộc đua nóng
 
Các ông lớn bán lẻ khác cũng không tiếc tiền rót vốn nhằm chiếm lĩnh thị trường. Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mới đây đã có những động thái tái cơ cấu khi nhận chuyển nhượng lại gần 1,3 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ nắm giữ từ 49% lên 99,99% vốn nhà thuốc An Khang.

MWG cho biết sau khi đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ được tập trung cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài chia sẻ việc thâu tóm An Khang là để chuẩn bị tăng tốc trong tương lai khi ngành thuốc như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ... đang có các cơ hội phát triển tốt sau đại dịch.

"Ngành thuốc đang chuyển dịch từ thuốc chữa bệnh sang các sản phẩm phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như vitamin, thuốc bổ. Chúng tôi cho rằng ngành thuốc muốn kiếm lợi nhuận thì đây là giai đoạn phù hợp", ông Tài nói.

Thế Giới Di Động từng mua lại cổ phần chuỗi Phúc An Khang vào năm 2017 và sau đó đổi tên thương hiệu thành An Khang. Tuy nhiên, MWG có lẽ đang chậm chân hơn khi đầu tư theo kiểu thăm dò bởi chỉ nắm 49% trong nhiều năm và đến nay mới thực sự chạy đua khi đầu tư lớn về tài chính và con người.

Các đại gia bán lẻ dược phẩm khác cũng không kém cạnh trong cuộc đua thị phần. Pharmacity hiện là kênh nhà thuốc lớn nhất thị trường sau khi được nhiều tập đoàn lớn rót vốn.

Pharmacity được thành lập từ năm 2011 bởi ông Chris Blank. Tháng 5/2019, chuỗi này được Mekong Capital rót vốn. Từ 200 cửa hàng, đến nay Pharmacity đã dẫn đầu thị trường với 837 nhà thuốc trên toàn quốc.

Cuối năm ngoái truyền thông Hàn Quốc đưa tin SK Group chuẩn bị hoàn tất thương vụ đầu tư 100 triệu USD vào Pharmacity. Tuy nhiên, thông tin này đến nay chưa được các bên liên quan xác nhận.

Ngoài ra chuỗi Phano Pharmacy cũng được chú ý khi đang được tích hợp vào hệ sinh thái "tất cả trong một" của Masan Group. Một số nhà thuốc đã xuất hiện trong các cửa hàng Winmart.

Trong lĩnh vực bán buôn, Digiworld nhà phân phối chuyên về các sản phẩm công nghệ cũng tuyên bố sẽ tập trung nhiều hơn vào dược phẩm trong năm 2022 sau khi rót vốn vào dược phẩm Đại Tín.

Tham vọng lớn

Động thái "chơi lớn" với chuỗi dược của Thế Giới Di Động diễn ra trong bối cảnh mảng này tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt hậu Covid-19.

Trong khi đó, với FPT Retail, Long Châu đang tăng trưởng mạnh nhờ khai thác cơ hội trong giai đoạn dịch bệnh. Tổng doanh thu Long Châu năm ngoái đã lên gần 4.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng không giấu giếm tham vọng đứng đầu ngành bán lẻ dược phẩm khi liên tục mở rộng lên gần 500 cửa hàng như hiện tại.

Trong khi đó chuỗi An Khang chỉ mới có những động thái nhích lên sau khi được tích hợp các cửa hàng đặt cạnh Bách Hóa Xanh để tận dụng lượng khách hàng mua sắm thực phẩm.

Theo báo cáo kinh doanh trước khi hợp nhất, MWG ghi nhận lỗ 7,6 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào chuỗi An Khang trong 9 tháng đầu năm 2021. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2021 là 16,9 tỷ đồng (tính theo tỷ lệ sở hữu 49% vốn).

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, cuối tuần trước cho biết doanh số bình quân hiện tại của các nhà thuốc An Khang đạt 500 triệu đồng/tháng mỗi điểm bán. Với mức doanh số trên, các cửa hàng dược phẩm này đã chạm ngưỡng hòa vốn.

Tuy nhiên tập đoàn đánh giá An Khang đang có nhiều mô hình khác nhau và đang trong giai đoạn thử nghiệm. MWG đang xử lý một số vấn đề hiện hữu để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng như tìm cơ hội thúc đẩy doanh số bán hàng.

"Cần phải hoàn tất cho mô hình An Khang hoàn toàn mới. Trong năm 2022 sẽ tăng tốc cho An Khang để có thể tham gia cuộc đua trong lĩnh vực này", ông Hiểu Em chia sẻ.

Pharmacity chưa phải là công ty đại chúng nên thông tin về hoạt động khá hạn chế. Tuy nhiên bức tranh tài chính của chuỗi này cũng hé lộ một vài chỉ tiêu quan trọng qua các báo cáo về phát hành trái phiếu.

Năm 2019, Pharmacity lỗ ròng 265 tỷ đồng. Còn trong lần gần nhất công bố thông tin tài chính, Pharmacity lỗ 194 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2020.

Chuỗi nhà thuốc được sáng lập bởi Chris Blank đặt mục tiêu khá tham vọng khi muốn nhân rộng lên 5.000 cửa hàng vào năm 2025 và đội ngũ nhân viên đến 35.000 người.

CEO Pharmacity cho biết đặt mục tiêu doanh thu vào năm 2025 là 68.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD). Trong đó gần 70% doanh thu đến từ kênh bán lẻ và 30% còn lại đến từ các dịch vụ khác trong hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe số.

Chất xúc tác thuốc Covid-19

Đại dịch Covid-19 giúp các nhà thuốc ở Việt Nam ăn nên làm ra và ngày càng mở rộng để đánh chiếm thị trường tiêu dùng còn sơ khai này.

Đặc biệt mới đây Bộ Y tế đã cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Thuốc Covid-19 tiếp tục là chất xúc tác khiến cuộc cạnh tranh phân phối dược phẩm lớn hơn.

Trong số 3 đơn vị được cấp phép sản xuất có thuốc của một công ty niêm yết là Hóa dược phẩm Mekorpha. Cổ phiếu MKP của đơn vị này vừa có nhiều phiên tăng trần liên tiếp.

Cổ phiếu FRT của FPT Retail cũng tăng mạnh lên đỉnh lịch sử khi công ty thông báo vừa ký hợp đồng mua 1 triệu viên thuốc trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir với giá bán dự kiến quanh 300.000 đồng/liệu trình (20 viên).


Long Châu sớm phân phối 1 triệu viên thuốc trị Covid-19 trong nước đầu tiên. Ảnh: FRT.

Theo đó, doanh thu dự kiến từ phân phối 1 triệu viên thuốc trên chỉ khoảng 15 tỷ đồng, khá nhỏ so với quy mô 4.000 tỷ đồng của Long Châu. Tuy nhiên, việc phân phối sớm được cho là sẽ tác động tích cực đến giá trị thương hiệu này và đem lại thêm một tập khách hàng lớn.

FPT Long Châu hay Pharmacity là 2 chuỗi dược phẩm lớn đầu tiên công bố sẽ mở bán thuốc Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Chuỗi An Khang cũng khẳng định đã lên kế hoạch đặt hàng và bán thuốc trong thời gian ngắn sắp tới.

Ông Nguyễn Đức Tài nói: "Thuốc điều trị Covid-19 cũng không khác thuốc trị bao tử bao nhiêu cả. Tất cả các nhà sản xuất muốn đưa thuốc ra thị trường thì phải được cấp số lưu hành. Họ cũng sẽ bán xuống các kênh như bình thường, đây không phải khái niệm hàng độc quyền".

Theo một báo cáo của SSI Research, nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Nhóm chuyên gia ước tính chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường và nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 sẽ sớm vượt qua mức trước dịch.

"Chúng tôi cho rằng nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin. Đặc biệt nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị Covid và sớm thương mại hóa trong năm 2022", báo cáo SSI viết.

CEO Pharmacity cũng nhìn nhận triển vọng tích cực khi ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD và chi tiêu cho dược phẩm tăng bình quân 14%/năm trong một thập kỷ qua.

Theo phân loại của IQVIA Institute, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành dược mới nổi. Tầng lớp trung lưu tăng lên, thu nhập đầu người cải thiện rõ rệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên là những động lực cho sự phát triển của ngành dược phẩm trong nước.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến