Các dự án thủy lợi nghìn tỷ từ ODA đang sống ra sao?
23/01/2015 07:57:36
ANTT.VN –Rất nhiều dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp… hệ thống thủy lợi lên đến hàng trăm triệu USD được hứa hẹn hỗ trợ nguồn vốn ODA phục vụ bà con nông dân trong phát triển nông nghiệp. Thế nhưng trên thực tế, theo các báo cáo tiến độ thực hiện thì vì nhiều lý do, vốn ODA vẫn chưa được rót xuống đưa nước tưới về cho nhân dân.

Tin liên quan

 

CPO – Cái tên lạ sở hữu nhiều dự án khủng

Ngành nông nghiệp có điều kiện thuận lợi với hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ để cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán... tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, các vùng đồng bằng hay vùng xâu vùng xa.

Cái tên mang đến nhiều hy vọng cho bà con nông dân nhất có lẽ phải kể đến Ban Quản lý Trung ương Các dự án Thủy lợi (CPO) với hàng chục dự án được cấp vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.

Trong điều kiện nguồn ngân sách trong nước còn nhiều khó khăn, với nhiệm vụ được giao là vận động và quản lý nguồn vốn ODA trong lĩnh vực thủy lợi; sau Dự án Khôi phục thuỷ lợi và chống lũ bằng nguồn vốn ADB đầu tiên vào năm 1994, đến nay CPO đã đảm nhận nhiệm vụ quản lý gần 20 dự án đầu tư bằng nguồn vốn khổng lồ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Cơ quan phát triển Pháp (AFD)…

Những dự án đói vốn ODA

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, Dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu – Nam sông Mã (ADB6) được đầu tư bằng  nguồn vốn  ADB, vốn đối ứng Trung ương và vốn đối ứng địa phương, với tổng vốn 148 triệu USD.

Quy mô dự án gồm 5 hợp phần, thời gian hoàn thành dự án theo hiệp định ký kết giữa ADB và Chính phủ Việt Nam là ngày 30-6-2017. Dự án được phân cho 2 chủ đầu tư thành phần, trong đó Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 là chủ đầu tư tuyến kênh chính Bắc, dài 34,5 km và 230 km kênh nhánh; Sở NN&PTNT là chủ đầu tư tuyến kênh chính Nam dài 23,4 km và 130 km kênh nhánh.

Đoàn kiểm tra của ADB về khảo sát tiến độ công trình ADB6 hồi tháng 10/2014

Dự kiến giá trị giải ngân vốn ADB và vốn đối ứng năm 2014 là 223,7 tỷ đồng, đến hết tháng 7/2014 đã giải ngân được 74 tỷ đồng. Với tổng số vốn đầu tư 2.998 tỷ đồng, trong đó có 2.304 tỷ đồng vốn vay ưu đãi từ ADB.

Theo báo cáo tiến độ thực hiện gần đây nhất của Ban quản lý dự án thì Tổng giá trị giải ngân vốn ODA chỉ đạt 4 tỷ đồng trong quý II/2014.  Như vậy, sau 2 năm thực hiện dự án đi vào hoạt động mới nhận được giải ngân 98,678 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, chủ yếu là nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách nhà nước cho đơn vị thực hiện là sở NN&PTNT Thanh Hóa.

5.700 tỷ hứa hẹn đưa nước về cho nhân dân

Một dự án khác do CPO quản lý tại miền Trung là dự án “khôi phục, nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An” (JICA2) cũng trong tình trạng chưa được cấp vốn ODA, thực hiện chủ yếu từ vốn đối ứng.

Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được xây dựng từ năm 1930, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1936, năng lực thiết kế trước đây của hệ thống là tưới cho 34.500 ha đất nông nghiệp. Sau 75 năm khai thác sử dụng, hầu hết các hạng mục công trình bị xuống cấp, diện tích tưới chỉ còn 19.636 ha đất nông nghiệp.

Ngày 14/8/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án đầu tư khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An với tổng mức đầu tư là gần 5.706 tỷ đồng. Nguồn vốn của dự án gồm vốn vay của Chính phủ Nhật Bản là gần 4.833 tỷ đồng; Vốn Ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án này có quy mô và vốn đầu tư lớn nhất trong số 11 dự án mà Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đầu tư vào Việt Nam trong năm 2012.

 

 Dự án JICA2 gồm 2 hợp phần, thời gian thực hiện dự án 7 năm từ 2013 đến 2019. Theo báo cáo dự án mới đây nhất, tính đến 9/7/2014 thì dự án này vẫn chưa được rót 1 đồng vốn ODA nào, lũy kế đến hết quý II/2014, dự án JICA2 mới được giải ngân 42,847 tỷ đồng từ vốn đối ứng Trung ương và 3,8 tỷ đồng từ vốn đối ứng Địa phương.

Vướng mắc được nêu ra do việc JICA đề nghị tổ chức thanh toán vốn vay không qua Ban CPO mà PMU gửi trực tiếp hồ sơ thanh toán tới Bộ Tài chính. Ban quản lý dự án cũng đã kiến nghị Nhà tài trợ sớm thống nhất tổ chức đấu thầu các gói ICB và quy trình giải ngân vốn JICA cho dự án.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến