Dòng sự kiện:
Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh
23/04/2024 13:02:52
Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa lãi suất cao tại Mỹ.


Đồng 100 nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang phải đối phó với những biến động gia tăng do việc đồng USD lên giá, khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay giảm đi, gây ra những tác động đến đồng yen, nhân dân tệ và các đồng tiền khác trong khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ trong những ngày gần đây, khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa lãi suất cao tại Mỹ và lãi suất thấp ở các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á.

Đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á tin tưởng hơn rằng một loạt các quyết định hạ lãi suất tại Mỹ sẽ thu hẹp mức chênh lệch.

Tuy nhiên, việc số liệu lạm phát Mỹ vượt dự báo trong ba tháng và hoạt động kinh tế mạnh đã đã làm đảo lộn kế hoạch đó.

Việc các nhà đầu tư chuyển hướng tới các tài sản sinh lời hơn của Mỹ đã khiến đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm là trên 154 yen/USD và đây cũng là phép thử đối với chính sách tiền tệ ổn định của Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ giảm xuống dưới tỷ giá tham chiếu hàng ngày mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), đặt ra.

Trong khi đó, đồng won chạm mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 11/2022.

Biến động tỷ giá đã thúc đẩy các hành động chính sách, từ việc ba nước ra tuyên bố chung trong việc giải quyết những lo ngại lớn khi đồng yen và đồng won gần đây giảm giá mạnh đến các cảnh báo từ PBoC trước hoạt động đầu cơ theo chiều xuống giá của đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những cảnh báo, đặc biệt là của Mỹ và Nhật Bản, chỉ cho thấy chính phủ các nước này ít khả năng sẽ can thiệp vào thị trường.

Nhà phân tích Junya Tanase tại JPMorgan Chase nhận định các động thái can thiệp đơn phương là hiếm khi xảy ra khi tất cả các thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thả nổi đồng tiền.

Trước đây, một số lần can thiệp chung đã được thực hiện trong khuôn khổ G7, và những động thái như việc hiếm khi xảy ra hơn và chỉ trong các cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda trong phát biểu vào tuần này nói BoJ có thể nâng lãi suất nếu tác động từ việc đồng yen xuống giá trở nên quá lớn không thể bỏ qua.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc không dễ dàng trong việc xác định mức độ nới lỏng kiểm soát biến động của đồng nhân dân tệ, trong lúc vừa phải tháo gỡ các khó khăn trong nước vừa phải đối mặt với phàn nàn của các đối tác thương mại liên quan đến hàng xuất khẩu giá rẻ của nước này.

Trong những tuần gần đây, PBoC đối mặt với việc thị trường dự báo đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục xuống giá do chênh lệch giữa lãi suất thấp tại Trung Quốc và lãi suất cao tại Mỹ./.

Tác giả: Lê Minh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến