Dòng sự kiện:
Các nền kinh tế lớn trước triển vọng phục hồi không đồng đều
20/08/2021 06:53:30
Dự báo tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc bị hạ xuống do dịch tái bùng phát, thì các dự báo cho Khu vực sử dụng đồng euro hay Mỹ lại được nâng lên, dù chiến dịch tiêm chủng cần thúc đẩy.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khi biến thể Delta đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, dự báo tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc bị hạ xuống do dịch tái bùng phát, thì các dự báo cho Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hay Mỹ lại được nâng lên, dù chiến dịch tiêm chủng cần tiếp tục được thúc đẩy.

Các nhà phân tích nhận định đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản có thể chậm lại trong quý III/2021 do dịch COVID-19 tái bùng phát, khiến nhiều khu vực ở nước này tiếp tục bị đặt trong tình trạng khẩn cấp trong một vài tháng tới.

Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản thực hiện với sự tham gia của 36 tổ chức tư vấn tư nhân trong thời gian từ ngày 30/7 đến 6/8 cho thấy trong quý III/2021, GDP thực tế của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,55% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với con số dự báo 4,9% được đưa ra một tháng trước đó.

Tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/8. Tuy nhiên ngày 17/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp này tới ngày 12/9, đồng thời đưa thêm 7 tỉnh khác vào danh sách.

Với kinh tế Trung Quốc, ba ngân hàng hàng đầu của Mỹ là Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley đầu tháng Tám đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng, sau khi nước này ghi nhận số liệu xuất nhập khẩu yếu hơn dự kiến và trước những lo ngại rằng dịch COVID-19 tái bùng phát có thể làm giảm hoạt động kinh tế.

Ngân hàng JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng quý III/2021 của Trung Quốc từ 4,3% xuống còn 2% so với quý trước đó, đồng thời cùng giảm mức tăng trưởng được dự báo cho cả năm 2021 từ 9,1% xuống 8,9%.

Ngân hàng Morgan Stanley nhận định kinh tế Trung Quốc trong quý III/2021 chỉ tăng 1,6% so với quý trước đó. Còn Ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo từ 5,8% xuống 2,3% cho quý hiện tại, và từ 8,6% xuống 8,3% cho cả năm nay.

Các quyết định trên được đưa ra sau khi hoạt động xuất - nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong tháng 7/2021, sau khi dịch COVID-19 lây lan ở các tỉnh miền Đông và Nam Trung Quốc, vốn là trung tâm xuất khẩu chính của nước này.

Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này đã có sự phục hồi kinh tế ấn tượng từ giai đoạn sụt giảm do đại dịch COVID-19 gây ra trong vài tháng đầu năm ngoái, nhờ sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Nhưng vào tháng Bảy, nước này đã phát hiện các ca mắc COVID-19 mới chủ yếu do biến thể Delta có tính lây nhiễm cao tại hàng chục thành phố trong nước. Các chính quyền địa phương sau đó phải phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng, yêu cầu hàng triệu người dân làm xét nghiệm và tạm thời đình chỉ hoạt động của một số doanh nghiệp, trong đó có các nhà máy.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay và năm tới, nhưng cảnh báo về những rủi ro do xuất hiện các biến thể mới của virus gây ra đại dịch.

EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn mức dự báo tăng 4,3% được đưa ra hồi tháng Năm.

Việc EC điều chỉnh mạnh dự báo tăng trưởng chủ yếu do việc mở cửa trở lại các nền kinh tế ở Eurozone trong quý II/2021, với lĩnh vực dịch vụ và hoạt động du lịch trong Liên minh châu Âu được thúc đẩy.

Tuy nhiên, EC cảnh báo những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng vẫn cao, hối thúc việc tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng nhằm ngăn chặn các mối đe dọa do sự lây lan các biến thể của virus gây ra đại dịch, đặc biệt là biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã tăng mạnh dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ lên 7%, nhờ đà phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, và giả định rằng phần lớn các kế hoạch chi cho xã hội và cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden sẽ được ban hành.

Dự báo nói trên của IMF là mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ kể từ năm 1984, và cao hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 4,6% trong năm nay được đưa ra hồi tháng Tư.

Được đưa ra trong bản đánh giá chính sách kinh tế Mỹ thường niên của IMF, các dự báo trên dựa trên giả định rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua các kế hoach cải cách thuế, chi cho xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền Tổng thống Biden với quy mô và cơ cấu giống với những đề xuất ban đầu.

Tác giả: Lê Minh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến