Dòng sự kiện:
Các ngân hàng dồn dập chia cổ tức
05/07/2023 17:03:56
Nhiều ngân hàng vừa đồng loạt thông báo kế hoạch chốt danh sách cổ đông trong tháng 7 để chi trả cổ tức.

 

Hoạt động nghiệp vụ tại SHB. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB) vừa công bố ngày 25/7/2023 là ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%, tức cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu sẽ được nhận 18 cổ phiếu. 

Vốn điều lệ của SHB sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng. 

Trước đó, SHB cũng đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Sau khi thực hiện 2 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 30.674 tỷ đồng lên mức 36.645 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) cũng công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị chấp thuận ngày 20/7 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên trên 29.076 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% được chi trả hồi đầu tháng 6 vừa qua, cổ đông của HDBank năm nay tiếp tục nhận cổ tức với tổng tỷ lệ 25%. 

Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), kế hoạch chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu tăng vốn cũng được công bố là ngày 7/7. Nam A Bank sẽ phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ phát sinh do làm tròn xuống (nếu có) sẽ được hủy bỏ.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông và đang trong những thủ tục cuối cùng để phát hành.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản gửi Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) cho biết đã nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu trả cổ tức của ngân hàng này. Dự kiến có thể trong vài ngày tới, Vietcombank sẽ ra thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và năm 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thương niên thông qua.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ của ngân hàng này tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. 

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385,3 tỷ đồng đã thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động để tăng vốn điều lệ. Trong đó, LPBank sẽ phát hành tối đã 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%.

Trước đó, trong tháng 6, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu để trả cổ tức và thưởng cho cổ đông ngân hàng.

Dù các ngân hàng liên tiếp công bố và thực hiện chia cổ tức với tỷ lệ cao cho cổ đông nhưng phần lớn đều theo phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia tiền mặt như mong muốn của cổ đông. Lý do các ngân hàng đưa ra là nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định về an toàn, mở rộng quy mô tín dụng, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số...

Tác giả: Lê Phương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến