Morgan Stanley và Bank of America tuần này đều công bố đạt mức lãi kỷ lục trong 3 tháng đầu năm. Một chỉ số lợi nhuận quan trọng của Goldman Sachs cũng chạm đỉnh 5 năm trong quý I.
Trong khi đó, đại gia ngân hàng JPMorgan Chase còn lãi 8,7 tỷ USD - lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Mỹ.
Các nhà băng lớn nhất Mỹ vừa có quý kinh doanh rất thuận lợi. Ảnh: CNN
Các nhà băng đang hốt bạc khi nền kinh tế mạnh lên, kéo theo nhu cầu vay mua nhà, mua xe và kinh doanh. “Kết quả rất ấn tượng. Các yếu tố nền tảng với ngành ngân hàng đều đang khá mạnh”, Nicholas Colas - đồng sáng lập DataTrek Research nhận xét.
Ngành công nghiệp này đang nhận được cú hích mạnh từ luật cải tổ thuế của đảng Cộng hòa. Các nhà băng thường phải trả thuế rất cao. Vì thế, họ là một trong những nhóm hưởng lợi lớn nhất khi thuế doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21%.
Bank of America đã giảm được 26% tiền thuế, dù kiếm được nhiều hơn 30%. Mức thuế của Morgan Stanley cũng giảm từ 29% năm ngoái xuống 21% hiện tại. Con số này tại JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo đều giảm mạnh.
Một nguyên nhân khác giúp lợi nhuận ngân hàng Mỹ tăng vọt là sự biến động trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu công nghệ lao dốc, mối lo về lạm phát, chiến tranh thương mại đã khiến lượng giao dịch của khách hàng tăng vọt.
Đây là mỏ vàng với các công ty tại Phố Wall. “Năm ngoái là môi trường tốt nhất với nhà đầu tư và tệ nhất với các giao dịch viên. Thị trường quá ít biến động”, Colas cho biết.
Doanh thu từ giao dịch của Morgan Stanley đã tăng 25% lên 4,4 tỷ USD quý trước. Doanh thu từ giao dịch cổ phiếu của Bank of America cũng tăng gần 40%. Con số này ở Goldman Sachs tăng 31% lên đỉnh 3 năm.
Trên CNBC hôm qua, CEO Goldman Sachs - Lloyd Blankfein cho rằng việc các ngân hàng trung ương giảm kích thích đã khiến thị trường biến động mạnh. “Tôi không muốn nói là chúng ta đang mở nắp champagne. Nhưng có thể thấy đó là điều sẽ xảy ra khi bình thường hóa thị trường tài chính”, ông so sánh.
Dù vậy, không phải nhà băng lớn nào của Mỹ cũng có quý kinh doanh thuận lợi. Cổ phiếu Wells Fargo đã giảm sau khi hãng này cảnh báo có thể bị phạt 1 tỷ USD vì mảng cho vay mua nhà và ôtô.
Họ cho biết có thể cần điều chỉnh lợi nhuận quý I. Wells Fargo còn đang vật lộn với các lệnh trừng phạt từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - hạn chế quy mô tài sản ở 2.000 tỷ USD.
Dù vậy, các cổ đông lại không mấy ấn tượng với lợi nhuận ngân hàng. Họ cho rằng việc này chỉ nhờ biến động thị trường và giảm thuế. Còn mảng kinh doanh cốt lõi - cho vay - không tươi sáng như kỳ vọng, bất chấp triển vọng kinh tế cải thiện.
Tại JPMorgan, dư nợ cho vay cho doanh nghiệp chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm 1% so với quý IV.
Giám đốc Tài chính của JPMorgan - Marianne Lake cho rằng hoạt động này toàn ngành đều đang giảm, và tốc độ tăng trưởng cho vay thấp sẽ còn kéo dài trong cả năm 2018.
Một vấn đề khác được quan tâm là thị trường trái phiếu đang tăng trở lại. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn đang tăng vọt, còn kỳ hạn dài lại giảm xuống.
Việc này không tốt với các ngân hàng - vốn trả lãi theo mức lãi ngắn hạn và cho vay theo mức dài hạn.
Đó là lý do vì sao nhà đầu tư không đổ xô mua cổ phiếu ngân hàng. “Các nhà băng có lãi rất lớn, nhưng nhà đầu tư vẫn ngần ngại thưởng cho họ”, Colas kết luận.
Theo Vnexpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy