Dòng sự kiện:
Các ngân hàng Trung Quốc phải báo cáo tình hình thanh khoản
18/11/2022 09:59:03
Giới chức Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng nước này báo cáo khả năng đáp ứng nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn, khi đợt bán tháo trái phiếu khiến nhà đầu tư ồ ạt rút tiền.

Ít nhất 5 ngân hàng thương mại đã báo cáo tình hình thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn cho các cơ quan quản lý. Ảnh: Reuters.

Theo nguồn tin của Bloomberg, yêu cầu bất thường của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau cú giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm của trái phiếu chính phủ ngắn hạn.

Xu hướng đi xuống của trái phiếu chính phủ một phần do sự chuyển hướng sang những tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu đã thúc đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ rút tiền khỏi các sản phẩm quản lý tài sản, khiến vòng xoáy giảm giá - rút tiền càng nghiêm trọng.

Ảnh hưởng tiêu cực đã lan sang các trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng cao, đẩy lợi suất lên mức kỷ lục vào tuần này.

Rủi ro mất cân đối nguồn vốn ngắn hạn

Một số nhà băng đang tìm cách trấn an các nhà đầu tư. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tăng gần gấp đôi quy mô bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua các nghiệp vụ thị trường mở.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết các điều kiện thanh khoản khả năng cao sẽ ổn định trong vài ngày tới.

Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có khả năng tiếp cận vốn dồi dào. Nhưng những biến động quá lớn về giá và làn sóng rút tiền đe dọa gây mất cân đối nguồn vốn ngắn hạn.

Trên thực tế, Bloomberg cho rằng tình trạng hỗn loạn này là "tác dụng phụ" khi sự lạc quan về triển vọng kinh tế gia tăng. Thị trường chứng khoán 10.000 tỷ USD của Trung Quốc đã tăng vọt trong những ngày qua.


Trung Quốc vừa ban hành các chính sách nới lỏng mạnh tay với lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Reuters.

Đà tăng được thúc đẩy bởi việc Bắc Kinh nới lỏng các yêu cầu chống dịch, hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ và đưa ra gói giải cứu đối với thị trường bất động sản. Khi dòng tiền chảy vào cổ phiếu và những công cụ đầu tư khác, các khoản đầu tư an toàn như trái phiếu chính phủ giảm sức hút.

Ít nhất 5 ngân hàng thương mại đã báo cáo tình hình thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn cho PBoC và Uỷ ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc trong vài ngày qua.

Trong một tuyên bố, đơn vị quản lý tài sản của Bank of China cho rằng "đợt sụt giảm của thị trường trái phiếu khiến thị giá của một số sản phẩm quản lý tài sản đi xuống".

Bank of China cho biết sẽ kiểm soát lỗ và tăng cường theo đuổi những khoản đầu tư an toàn.

Industrial Bank và China Zheshang Bank cũng đưa ra các tuyên bố tương tự trên tài khoản WeChat chính thức. Họ khuyến khích nhà đầu tư "mua đáy" để kiếm lời về dài hạn.

Rút tiền khỏi các WMP

Ngày 16/11, PBoC đã bơm ròng 123 tỷ nhân dân tệ (tương đương 17,3 tỷ USD) trong 7 ngày thông qua các nghiệp vụ thị trường mở.

Cơ quan này cho biết đã bơm hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ trong tháng này thông qua việc kết hợp các công cụ chính sách ngắn, trung và dài hạn. Động thái của PBoC tạo ra cú hích cho thị trường trái phiếu, nhưng tâm lý lạc quan không kéo dài.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn một năm của Trung Quốc đã tăng khoảng 40 điểm cơ bản trong 5 ngày qua lên 2,25%, mức cao nhất kể từ tháng 1.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản trong một ngày vào tuần này.

Trong vài năm qua, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã nhắm vào những sản phẩm quản lý tài sản của các nhà băng nước này. Họ lo ngại về một loạt rủi ro từ đòn bẩy tài chính và hoạt động bảo lãnh. Nguyên nhân là tình trạng thiếu minh bạch về thời hạn và mục đích sử dụng vốn.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã trấn áp hơn 1.000 tỷ USD sản phẩm quản lý tài sản (WMP) thiếu minh bạch, cấm các bên cho vay và quản lý tài sản sử dụng tiền thu được từ WMP để mua trái phiếu dài hạn hoặc trái phiếu được xếp hạng dưới AA+.

Theo nghiên cứu từ Citi Securities, tính đến giữa tháng 10, tổng giá trị của những WMP chưa thanh toán tại các ngân hàng Trung Quốc đã lên tới 9.780 tỷ nhân dân tệ.

Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến