Dòng sự kiện:
Các ngân hàng trung ương cần phối hợp can thiệp để ổn định tài chính
27/03/2023 14:43:30
Trước những lo ngại rằng sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu sẽ kéo dài trong bối cảnh lãi suất gia tăng, các chuyên gia kêu gọi ngân hàng trung ương có nhiều hành động can thiệp phối hợp hơn.

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 euro (trái) và 100 USD tại Paris. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đang kêu gọi ngân hàng trung ương các nước có nhiều hành động can thiệp phối hợp hơn để phục hồi sự ổn định tài chính, trước những lo ngại rằng sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu sẽ kéo dài trong bối cảnh lãi suất gia tăng.

Sau sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ là Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature Bank trong tháng này và thương vụ thâu tóm ngân hàng Credit Suisse dưới sự dàn xếp của Chính phủ Thụy Sỹ, các thị trường vẫn chưa khỏi hoang mang.

Trong phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu của ngân hàng Deutsche Bank đã sụt giảm mạnh trước những lo ngại rằng các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương các nước vẫn chưa đẩy lùi được cú sốc lớn nhất với lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường thanh khoản thông qua các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Fed vẫn tiếp tục nâng lãi suất trong hai tuần qua để kiềm chế lạm phát.

Ông Erik Nielsen, cố vấn kinh tế trưởng của ngân hàng UniCredit tại London, cho rằng các ngân hàng trung ương không nên rách rời chính sách tiền tệ khỏi yêu cầu ổn định tài chính ở thời điểm lo ngại đang tăng cao rằng sự bất ổn ngân hàng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng.

Theo ông, “các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Fed và ECB, nên ra tuyên bố chung rằng các thể chế này sẽ không tính đến việc tăng lãi suất ít nhất là đến khi các thị trường tài chính ổn định trở lại.”

Ông tin rằng những tuyên bố như vậy trong vài ngày tới là rất cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng sâu hơn.

Các thị trường tiền tệ tại Mỹ cũng dự đoán Fed sẽ dừng nâng lãi suất. Ngày 24/3, các nhà giao dịch dự đoán khả năng Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng Năm tới chỉ là 20%, và 80% ngân hàng này sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,75-5%. Fed cũng được dự đoán đến tháng 12 sẽ hạ lãi suất xuống 3,94%.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý sẽ có thể vừa đảm bảo sự ổn định tài chính vừa tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.

Viện đầu tư BlackRock cho rằng các ngân hàng trung ương có thể giữ “nguyên tắc tách biệt” - đó là sử dụng bảng cân đối kế toán và các công cụ khác để ổn định tài chính, trong khi tập trung chính sách tiền tệ vào việc kiềm chế lạm phát.

Ở thời điểm này, hầu như không nhà đầu tư nào cho rằng những sự kiện của năm nay là sự tái diễn cuộc khủng hoảng hệ thống đã từng càn quét các thị trường vào năm 2008, nhưng họ cảnh báo rằng một đợt rút tiền ồ ạt nữa có thể xảy ra nếu dư luận tin rằng các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu sẽ không bảo vệ người gửi tiền.

Ông Felipe Villarroel, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản TwentyFour Asset Management, nhận định cách để giải quyết vấn đề hiện tại là hành động phối hợp của các ngân hàng trung ương để củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính.

Ông nhấn mạnh: “Vấn đề với các ngân hàng Mỹ và châu Âu hiện giờ không phải là vốn, mà là niềm tin.”

Ông giải thích: "Người tiêu dùng lo sợ vì họ thấy các ngân hàng liên tiếp phá sản và họ đặt câu hỏi liệu những vấn đề này có lan sang các ngân hàng khác và liệu họ có nên rút tiền ra hay bán cổ phiếu ngân hàng đi hay không."

Các cơ quan quản lý Mỹ hồi tuần trước khẳng định hệ thống ngân hàng của nước này vẫn “khỏe mạnh và ổn định” nhằm trấn an thị trường và người gửi tiền.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cho biết bà sẵn sàng áp dụng lại các biện pháp như với SVB và Signature Bank để bảo vệ các khoản tiền gửi ngân hàng không được bảo hiểm nếu có nguy cơ xảy ra các đợt rút tiền ồ ạt.

Dù vậy, số liệu được công bố ngày 24/3 của Fed cho thấy tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ của Mỹ đã ghi nhận mức giảm cao kỷ lục sau sự sụp đổ của SVB vào ngày 10/3.

Trong khi đó, tổng số tiền gửi trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm gần 600 tỷ USD để từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất vào năm ngoái.

Ông Torsten Slok, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý đầu tư Apollo Global Management, lưu ý đây là sự sụt giảm tiền gửi ngân hàng lớn nhất từng ghi nhận.

Chuyên gia này nhận định những rủi ro trong ngắn hạn đối với các ngân hàng, cùng với sự bất ổn trong các dòng tiền gửi, lãi suất, sự biến động của giá tài sản và những vấn đề về mặt quy định, đều đang cho thấy điều kiện tín dụng đang thắt chặt và tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ chậm lại trong những quý tới đây./.

Tác giả: Khánh Ly

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến