Đồng euro có thể tiếp tục suy yếu so với đồng USD trong thời gian tới. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đồng euro đã cho thấy xu hướng giảm giá so với đồng USD kể từ đầu năm 2024.
Diễn biến này có thể là do sự khác biệt trong diễn biến lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) và Mỹ, và đồng euro có khả năng sẽ tiếp tục giảm giá so với đồng USD.
Euro, đồng tiền chính thức của 20 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã giảm giá đáng kể so với đồng USD, với mức giảm khoảng 2,2% kể từ đầu năm 2024.
Mặc dù gần đây giá trị của đồng euro có tăng nhẹ, nhưng đồng tiền này vẫn ở mức yếu lịch sử so với đồng USD, chỉ dao động quanh mức 1,08 euro đổi 1 USD.
Sự suy yếu này của đồng euro chủ yếu có thể là do sự khác biệt rõ rệt trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của hai bên.
Đồng euro có thể tiếp tục suy yếu so với đồng USD trong thời gian tới vì một số yếu tố.
Sự khác biệt trong diễn biến lạm phát
Lạm phát ở Eurozone đã liên tục giảm trong năm 2024, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ 2,9% trong tháng Một xuống còn 2,4% vào tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023.
Điều đáng chú ý là lạm phát ở Eurozone đã đạt đỉnh ở mức 10,6% vào tháng 10/2022, do giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
ECB đã tích cực nâng lãi suất để ứng phó lạm phát tăng cao kể từ năm 2022. Nhưng trong các cuộc họp liên tiếp vừa qua, ECB đã tạm dừng việc tăng lãi suất.
Lập trường của ECB đã có xu hướng ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong cuộc họp chính sách tháng Tư, cho thấy việc cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu là phù hợp, nhất là khi lạm phát đang có xu hướng giảm về mức mục tiêu 2%.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh rằng đường hướng lãi suất ở khu vực Eurozone sẽ không giống với tình hình ở Mỹ, nơi lạm phát đang quay trở lại trong năm nay.
Châu Âu cần lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế
Một chỉ báo kinh tế khác có thể khiến ECB giảm lãi suất sớm hơn là sự trì trệ của nền kinh tế Eurozone trong nửa cuối năm 2023.
Trong quý 4/2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone chỉ tăng 0,1%, qua đó thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế trong gang tấc. Các nền kinh tế lớn, bao gồm Đức, Pháp, Italy và Pháp, đều trải qua thời kỳ suy yếu kéo dài trong hoạt động sản xuất. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng lục địa này rất cần một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngược lại với tình hình ở Eurozone, Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát ở mức cao trong năm nay.
CPI của nước này đã tăng từ 3,1% vào tháng Một lên 3,5% vào tháng Ba. Số liệu tuần này cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong sáu tháng, xuống 3,4% trong tháng Tư. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với Eurozone.
Do đó, Fed vẫn giữ lập trường có thiên hướng ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ trong các cuộc họp chính sách.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mặt khác, Mỹ đã phục hồi kinh tế rất mạnh mẽ kể từ đại dịch COVID-19, với mức tăng trưởng GDP cao hơn gấp ba lần Eurozone, đạt 3,4% trong quý cuối năm 2023.
Mặc dù có sự giảm nhẹ trong quý 1/2024, đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ vẫn đủ mạnh để cho phép Fed duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn so với ECB.
Khoảng cách lợi suất trái phiếu chính phủ ngày càng rộng
Dự đoán về việc ECB cắt giảm lãi suất trước Fed khiến khoảng cách trong lợi suất trái phiếu chính phủ giữa hai bên ngày càng nới rộng.
Điều này cho thấy các nhà giao dịch trái phiếu dự báo giá trái phiếu ở Eurozone sẽ tăng nhanh hơn so với trái phiếu chính phủ của Mỹ, do giá trái phiếu và lợi suất trái phiếu thường có quan hệ nghịch chiều.
Thông tin được đăng tải trên tờ Financial Times cho biết các tổ chức tài chính lớn như Pimco và JPMorgan Asset Management đều đã tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ châu Âu trước những dự đoán này.
Thông thường, đồng tiền của một quốc gia có xu hướng tỷ lệ thuận với lợi suất trái phiếu chính phủ nước đó.
Mối quan hệ này bắt nguồn từ thực tế là lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn thường báo hiệu đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu tăng đối với đồng tiền của quốc gia đó, khi các nhà đầu tư tìm cách bảo vệ giá trị tài sản. Hiện tượng này đã được thể hiện một cách nhất quán với đồng USD trong mỗi chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
Khoảng cách lãi suất thúc đẩy giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ
Hơn nữa, lãi suất chính sách của một nước cao hơn cũng dẫn đến lãi suất tiền gửi bằng đồng tiền của nước đó cao hơn, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry trade).
Chiến lược này liên quan đến việc vay tiền bằng một đồng tiền có lãi suất thấp hơn để đầu tư vào đồng tiền có lãi suất cao hơn, với mục đích kiếm lợi từ sự chênh lệch lãi suất này.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi qua đêm của ECB là 4%, trong khi khoảng lãi suất của Fed là 5,25-5,5%. Sự chênh lệch đáng kể như vậy giữa lãi suất vay liên ngân hàng đang khuyến khích các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền có lãi suất cao hơn, đồng thời bán tháo đồng tiền có lãi suất thấp hơn.
Do đó, động lực này góp phần thúc đẩy sự mạnh lên của đồng USD và sự suy giảm của đồng euro./.
Tác giả: Khánh Ly
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy