Ngày 26/11, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cảnh báo quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia với sự xuất hiện của biến thể mới B.1.1.529.
Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức và chuyên gia y tế bàn cách thức đối phó với biến thể B.1.1.529 phát hiện đầu tiên tại Nam Phi, Thủ tướng Bennett nhấn mạnh: "Chúng ta đang đứng trước khả năng phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Nguyên tắc chính yếu hiện nay là phải hành động nhanh chóng, quyết liệt và ngay lập tức."
Trước đó, Bộ Y tế Israel đã công bố trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, là một công dân đi du lịch nước ngoài trở về từ Malawi. Biến thể mới B.1.1.529 được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng virus mạnh hơn các biến thể trước đây.
Ngay trong tối 25/11, Israel đã thông báo đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ một loạt quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini, đồng thời yêu cầu cách ly bắt buộc đối với công dân Israel trở về từ các quốc gia này.
Làn sóng dịch bệnh thứ tư tại Israel đang có dấu hiệu thuyên giảm nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng, bao gồm cả trẻ em trong nhóm tuổi 5-11.
Tính đến sáng 26/11, tại nước này đã có 5,77 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine, chiếm 60% dân số. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 tại Israel hiện vẫn khá cao, với 524 ca được ghi nhận trong ngày 25/11. Israel đang cân nhắc đóng cửa các trường học để khuyến khích học sinh tiêm vaccine phòng bệnh.
Australia sẵn sàng ứng phó với biến thể mới
Các cơ quan chức năng Australia đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vừa được phát hiện ở Nam Phi.
Phát biểu với báo giới ngày 26/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết trong thời gian qua, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều biến thể của virus gây bệnh COVID-19 và giới chức Australia luôn theo dõi sát các diễn biến liên quan tất cả các biến thể này cũng như cách ứng phó của các quốc gia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định Australia đã được chuẩn bị tốt nếu biến thể mới có tên B.1.1.529 xâm nhập nước này. Ông cho biết chính quyền không cần thay đổi ngay lập tức kế hoạch mở cửa trở lại đất nước, nhưng sẽ phản ứng nhanh chóng theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế.
Lời khuyên hiện nay của giới chuyên môn vẫn là các loại vaccine đang được sử dụng đều có phổ rộng, có khả năng phòng ngừa các biến thể mới xuất hiện, tương tự với Delta và các biến thể khác.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sydney, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bộ trưởng Hunt tin tưởng với tỷ lệ tiêm chủng cao, Australia có vị thế tốt hơn nhiều để đối phó với các biến thể mới so với đầu năm nay, thời điểm biến thể Delta xuất hiện.
Hiện hơn 86% dân số Australia trên 16 tuổi đã được tiêm chủng hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và 92,1% đã tiêm mũi đầu tiên. Để xúc tiến chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường, từ nay đến trước Giáng sinh, Chính phủ Australia sẽ gửi thư đến từng hộ gia đình kêu gọi người dân tích cực tham gia tiêm chủng.
Bộ trưởng Hunt cho biết từ khi triển khai vào đầu tháng này, chương trình tiêm chủng tăng cường đã đạt kết quả cao hơn kỳ vọng do người dân tin tưởng vào hiệu quả của vaccine. Hiện có 370.000 người đã tiêm mũi thứ ba.
Về tình hình dịch COVID-19, trong 24 giờ qua, Australia ghi nhận 1.362 ca mắc mới ở bang Victoria, 261 ca ở bang New South Wales và 8 trường hợp ở vùng thủ đô Canberra.
Ấn Độ siết chặt kiểm soát du khách
Ấn Độ cũng siết chặt việc kiểm tra và sàng lọc các du khách do quan ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Giới chức liên bang khuyến cáo tất cả các bang tiến hành xét nghiệm nghiêm túc và kiểm tra du khách quốc tế đến từ Nam Phi và các nước có nguy cơ cao.
Trong thư gửi cơ quan y tế các bang ngày 25/11, Bộ trưởng Y tế Rajesh Bhushan nêu rõ: "Biến chủng (B.1.1.529) này có số đột biến cao và do đó có tác động nghiêm trọng đến y tế công ở nước ta trong bối cảnh Ấn Độ vừa nới lỏng hạn chế thị thực và mở cửa cho hoạt động đi lại quốc tế."
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ đã có dấu hiệu cải thiện khi trong tuần này, số ca mắc mới tăng ít nhất trong 1 năm rưỡi qua do số người tiêm chủng tăng và kháng thể trong một số lớn dân số đã từng mắc bệnh.
Tính đến ngày 26/11, tổng số bệnh nhân tại Ấn Độ là 34,56 triệu người. Số ca mắc mới hằng ngày tại nước này đã giảm một nửa kể từ tháng 9 và ghi nhận 10.549 ca mắc mới trong ngày 26/11.
Đầu tháng này, Ấn Độ xác định 10 quốc gia thuộc diện "có nguy cơ," trong đó có Anh, Trung Quốc, Nam Phi và New Zealand. Nước này cũng đã mở cửa biên giới với 99 quốc gia trên thế giới.
Nam Phi triệu tập cuộc họp nhằm ứng phó với biến thể mới
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ triệu tập Hội đồng quốc gia phòng chống COVID-19 vào ngày 28/11 tới sau khi các nhà khoa học phát hiện một siêu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ekurhuleni, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuyên bố ngày 26/11 của Chính phủ Nam Phi nêu rõ các quyết định được Hội đồng trên đưa ra sẽ trở thành căn cứ để chính phủ ban hành đánh giá về tình hình dịch COVID-19, trong đó có việc triển khai các mức độ phong tỏa phù hợp.
Trước đó, ngày 25/11, các nhà khoa học ở Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 "có số lượng đột biến rất cao."
Thêm hàng loạt quốc gia siết chặt quy định đi lại
Lo ngại về tác động của siêu biến thể trên, cùng ngày, các quan chức Malaysia cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ siết chặt quy định với người nhập cảnh từ 7 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.
Tất cả các trường hợp không phải là công dân Malaysia và những người không thuộc diện cư trú tại nước này có lịch trình đi lại tới 7 quốc gia này trong thời gian gần đây đều không được phép nhập cảnh.
Các công dân Malaysia và người nước ngoài thuộc diện cư trú ở Malaysia vẫn sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ quy định cách ly. Ngoài ra, Malaysia cũng cấm công dân nước này tới 7 quốc gia châu Phi nói trên. Dự kiến các quyết định trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối tuần này.
Tại châu Âu cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết nước này cũng đã quyết định ngừng tất cả các chuyến bay khởi hành từ miền Nam châu Phi đến Pháp trong vòng 48 giờ.
Bộ trưởng Véran nhấn mạnh hiện chưa có trường hợp nào tại châu Âu được chẩn đoán nhiễm biến thể B.1.1.529. Ông cũng cho biết thêm rằng tất cả những người từng đến khu vực này đều sẽ được xét nghiệm sàng lọc và giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết sẽ cùng các nhà lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu tiến hành các cuộc thảo luận trong những giờ sắp tới để bàn về việc ứng phó với biến thể mới này.
Tại Croatia, Bộ trưởng Nội vụ Davor Bozinovic cho biết nước này sẽ siết chặt các quy định đi lại từ một số quốc gia để đề phòng lây lan biến thể B.1.1.529. Danh sách hạn chế gồm có Nam Phi, Africa, Botswana, Eswatini, Lesotho, Zimbabwe, Namibia và Hong Kong (Trung Quốc). Các quy định hạn chế sẽ chính thức được đưa ra sau ngày 26/11.
Hàng loạt động thái của các quốc gia nói trên được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia tại như Đức, Anh, Cộng hòa Séc, Israel, Singapore... cũng đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ châu Phi do lo ngại nguy cơ lây nhiễm của siêu biến thể B.1.1.529./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy