Dòng sự kiện:
Các quỹ ETF rút vốn mạnh ở thị trường Việt Nam
25/08/2021 06:18:07
Chỉ trong 1 tuần giao dịch, các quỹ ETF đã rút ròng hơn 44 triệu USD tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hình ảnh minh họa dòng vốn ETF ở thị trường chứng khoán Đông Nam Á. Ảnh: Picjumbo.

Ở tuần giao dịch 16-20/8, thị trường chứng khoán Đông Nam Á nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng tiếp tục chịu áp lực rút ròng từ các quỹ ETF.

Theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, ở tuần giao dịch trên, các quỹ ETF đã rút ròng hơn 35 triệu USD khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là nguyên nhân chính cho sự trở lại của dòng vốn tiêu cực tại Đông Nam Á, tiếp đến là thị trường chứng khoán Singapore. Tuy nhiên, dòng vốn tiêu cực đã phần nào hạ nhiệt khi thị trường chứng khoán Malaysia và Thái Lan thu hút 14 triệu USD trong tuần trước.

Các quỹ ETF có xu hướng rút ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam ở tuần giao dịch 16-20/8. Nguồn: KIS Việt Nam.

Chi tiết hơn, trong 16-20/8, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận dòng vốn tiêu cực, ở mức 44 triệu USD, tăng 40% so với tuần trước. Số liệu từ KIS cho thấy dòng vốn tiêu cực đã bắt đầu lan rộng trên các quỹ ETF chủ đạo. Cụ thể, hoạt động rút vốn tập trung trên Fubon FTSE Vietnam ETF và VFMVN Diamond ETF. Đáng chú ý, VFMVN Diamond ETF là nhân tố đóng góp chính cho sự gia tăng của dòng vốn tại thị trường Việt Nam. Do vậy, KIS đánh giá dòng vốn rút ra khỏi ETF này là tín hiệu đầu tiên cho sự suy yếu của dòng vốn ngoại tại Việt Nam.

Về giao dịch của khối ngoại, ở tuần giao dịch này áp lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam.  Giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 5.400 tỉ đồng, cao nhất trong 2 tháng vừa qua. Áp lực bán tiếp tục tập trung chủ yếu trên lĩnh vực bất động sản và tài chính.  Cụ thể, nhóm này tập trung bán ròng trên VHM, VIC, NVL, SSI, và CTG trong khi PVI và VND được mua ròng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thuộc ngành tiêu dùng thiết yếu tiếp tục bị chi phối từ áp lực bán của khối ngoại, tập trung trên MSN và VNM. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DGW lại đang được khối ngoại mua mạnh.

Có thể nói, ở giai đoạn hiện tại giao dịch của khối ngoại không quá ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam như ở giai đoạn 2016-2017. Và hiện tại, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, động thái bán ròng của khối này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Tác giả: Việt Hà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến