Dòng sự kiện:
Các tỉnh Thái Bình - Hà Tĩnh khẩn trương triển khai ứng phó bão Sơn Tinh
18/07/2018 16:29:47
Trước diễn biến nhanh và phức tạp của bão số 3 (bão Sơn Tinh), các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão (Thái Bình - Nghệ An) đang tích cực triển khai các phương án ứng phó.

Thái Bình: Công điện khẩn chỉ đạo ứng phó với bão

Ngay trong ngày 17/7, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo ứng phó với bão.

Theo đó, yêu cầu khẩn trương kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 12h trưa 17/7, khẩn trương chỉ đạo kiểm tra đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, lồng bè trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, biển, đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông; di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, ngư dân trên phương tiện làm ăn trên sông, biển; kiên quyết di dân đến nơi an toàn.

Nếu để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do mưa bão, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.

Hải Phòng: Huy động lực lượng lớm ứng phó với bão số 3

UBND TP Hải Phòng vừa có Công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành về việc phòng chống bão số 3.

TP. Hải Phòng đã thông báo cho 3.054 phương tiện/12.573  lao động; 450 lồng bè/1.239 lao động; 299 chòi canh/294 lao động đang hoạt động và neo đậu để chủ động phòng tránh. Trong đó có 508 phương tiện/1.211 lao động đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vỹ, ven bờ, vịnh Cát Bà và khu vực cửa sông; 2.382 phương tiện/8.867 lao động đang neo đậu tại bến.

Để chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh, các ngành, đơn vị, địa phương, LLVT trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Thành phố huy động 42.451 người tham gia xung kích hộ đê, PCTT&TKCN. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng: 9.707 người; 97 xe ôtô các loại, 17 tàu và xuồng máy, 4 xe thiết giáp; Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng: 225 người; 11 tàu và xuồng máy, 22 xe ôtô các loại.

Về phương tiện, vật tư phục vụ PCTT&TKCN trên 1,2 nghìn chiếc ô tô các loại, 264 tàu, xuồng; 27 xà lan; 128 xe cẩu, xúc, thang; 199 máy phát điện, hàng trăm nghìn m3 cát, đá, đất; hàng nghìn tấn/thùng lương thực, mỳ ăn liền, nước đóng chai; 716 cơ số thuốc, y cụ... được huy động.

Thanh Hóa: Ngư dân kéo tàu thuyền lên phố tránh bão

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 3 có tên Quốc tế Sơn tinh, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP và đơn vị, ban ngành liên quan yêu cầu hoãn, dừng tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó với cơn bão số 3 này.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Thanh Hóa để nắm bắt xử lý kịp thời các sự cố.

Sáng nay ngư dân tại TP Sầm Sơn đã dùng sức người và máy kéo hàng trăm bè, mảng (ghe thuyền đánh bắt gần bờ) lên khu vực đường Hồ Xuân Hương.

Ngư dân TP Sầm Sơn kéo hàng trăm thuyền, bè lên đường phố tránh sóng đánh. Ảnh: Nguyễn Dương.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, hiện 100% phương tiện tàu thuyền của tỉnh (7.410 phương tiện với 27.589 lao động) đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.

Công tác chuẩn bị đối phó với bão số 3 đã hoàn tất. Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính từ đêm 13 đến hết ngày 17-7, hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 đến 386 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Tĩnh Gia 386,1 mm, Triệu Sơn 285,9 mm, Như Xuân 272,8 mm…

Mưa lớn trên diện rộng đã làm gần 6.100 ha lúa bị ngập, tập trung ở các huyện: Nông Cống, Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa; gần 900 ha hoa màu, 102 ha nuôi trồng thủy sản tại huyện Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn bị ngập. 

Ngoài ra, mưa lớn cũng làm cho 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị ngập, 1 ngôi nhà bị đổ sập. Nhiều tuyến đường giao thông lớn như Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt ta-luy ở nhiều điểm…

Nghệ An: Huy động tổng lực ứng phó, thực hiện lệnh cấm biển

Sáng 18/7, Chủ tịch UBND - Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn số 10/CĐ.UBND về ứng phó với cơn bão số 3.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các công trình đang thi công, các sự cố đã xảy ra năm 2017. Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn; kiên quyết thực hiện sơ tán di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là những nơi bão có khả năng đổ bộ và phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 18/7/2018.

Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, công trình xây dựng, kho tàng, hầm mỏ, bến bãi, chặt tỉa cành cây. Kiểm tra, rà soát và chủ động các phương án tiêu thoát nước đô thị để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão. Tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Hơn 3.700 phương tiện, tàu thuyền của Nghệ An đang neo đậu tại bờ.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển từ 5h sáng 18/7. 

Theo báo cáo nhanh của Ban chi huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 3.868 phương tiện/18.189 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Đến thời điểm hiện nay, đã có 3.799 phương tiện neo đậu tại bến, cửa lạch an toàn với 17.432 lao động, số còn lại đang vào neo đậu tại các âu tàu, thuyền của địa phương khác. Ngoài ra, hiện có 31 phương tiện/267 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu an toàn tại các cảng cá, cửa lạch của tỉnh Nghệ An.


Người dân dùng bao tải cát giữ mái ki ốt tại khu kinh doanh bãi biển Cửa Lò.  Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường

Công tác chằng chéo nhà cửa, ki ốt kinh doanh tại thị xã du lịch biển Cửa Lò, Cửa Hội đã cơ bản hoàn thành.

Hà Tĩnh: Sơ tán dân ở vùng nguy cơ sạt lở và vùng biển có nguy cơ triều cường

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho biết Tỉnh ủy đề nghị các cấp ngành, người dân nghiêm túc thực hiện các công điện của UBND tỉnh: Chủ động phòng tránh bão, dứt khoát phải đưa thuyền bè vào nơi trú ẩn, di dời đến nơi an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hồ đập, hệ thống cống, đảm bảo an toàn vùng hạ du; tập trung cao cho việc sơ tán dân ở vùng nguy cơ sạt lở và vùng biển có nguy cơ triều cường.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến trưa 18/7, hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân các huyện ven biển như Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân…đã được đưa về trú ẩn, neo đậu an toàn.

Tàu thuyền trong vào ngoại tỉnh vào tránh trú bão số 3 tại Cảng cá Thạch Kim. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Tại huyện Kỳ Anh, ngoài việc kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu an toàn, cơ quan chức năng cũng đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người, các cơ sở kinh doanh bè nổi, lồng bè thủy sản trên địa bàn huyện.

Tại các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân…cơ quan chức năng cũng đã khẩn trương kêu gọi các thuyền, bè đang hoạt động trên biển về nơi trú bão an toàn, tăng cường kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương.

Tại Hương Sơn, UBND huyện Hương Sơn đã ban hành 3 công điện, đồng thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện trực tiếp xuống các địa phương đôn đốc, chỉ đạo.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ngành, các xã, thị trấn kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu các công trình hồ chứa mất an toàn, các điểm xung yếu trên tuyến đê Tân Long, rà soát các hộ có khả năng phải sơ tán, có phương án ứng phó khi Nhà máy Thủy điện Hương Sơn xã lũ tại vùng hạ du...

Trưa nay, bão số 3 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào Vịnh Bắc Bộ, do ảnh hưởng của bão, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Hồi 13h ngày 18/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên vịnh Bắc Bộ và cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; trong tối và đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu.

 Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến