Dòng sự kiện:
Các tỉnh thành ồ ạt siết, mua bán 'nhà 2 giá' hết cửa sống?
21/02/2022 17:14:43
Sau đề nghị của Bộ Tài chính, nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo siết chặt việc mua bán bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế (nhà 2 giá - PV).

Ngăn chặn trốn thuế

Mới đây, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình có thông báo tới các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cần giải thích, hướng dẫn cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý khi ký kết hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản. Trong đó, các đơn vị lưu ý hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh phải ghi đúng giá thực tế mua bán, chuyển nhượng trong hợp đồng, giao dịch để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Những trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế và cá nhân. Tổ chức có hành vi liên quan đến việc trốn thuế và thu phí công chứng không đúng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp mua bán "nhà 2 giá" là hành vi vi phạm pháp luật về thuế (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Tương tự, trong năm nay, Sở Tư pháp tỉnh Đà Nẵng cho biết cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm phát hiện các hồ sơ công chứng có dấu hiệu "ký gửi", "ký chờ"; kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng nhằm trốn thuế để chuyển cho Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố xác minh, điều tra xử lý theo quy định pháp luật…

Trước đó, vào khoảng giữa năm 2021, Cục Thuế TP Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật, khai sai giá bất động sản để trốn thuế. Giới đầu tư bất động sản còn gọi lại đây là "tiền chênh", nằm ngoài hợp đồng, hoàn toàn không có giấy tờ nào chứng minh. Người mua có nguy cơ mất trắng số tiền chênh này, nếu có tranh chấp xảy ra.

Hay, tại TPHCM, Chi cục Thuế Quận 10 đã phát hiện nhiều vụ mua bán căn hộ có giá trị chuyển nhượng lên tới 4 - 5 tỷ đồng nhưng lại kê khai nộp thuế có giá trị chỉ bằng 1/5 (khoảng 1 tỷ đồng). Chi cục này đã chuyển hồ sơ kiến nghị Công an điều tra làm rõ.

Gây thiếu minh bạch thị trường

Trước tình trạng nở rộ mua bán "nhà 2 giá" , ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nhận định: "Việc mua bán có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai 2 giá khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế".

Cũng theo ông Châu, khách hàng chấp nhận dù biết phạm luật, một phần do cơ chế hiện nay chưa thực sự chặt chẽ. Hiện chỉ có 1 phương pháp tính thuế là đánh thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá trị hợp đồng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Khi doanh nghiệp kê giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế sẽ làm cho mức thu của nhà nước bị giảm xuống.

"Cả khách hàng và doanh nghiệp đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này góp phần khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch", ông Châu phân tích.

Theo chuyên gia, việc kê khai mua bán đúng giá sẽ làm minh bạch thị trường bất động sản (Ảnh minh họa - Hà Phong).

Trao đổi với Dân trí, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch - cho biết, trong quy định của pháp luật, tất cả loại hợp đồng mua bán thương mại phải có chứng từ, hóa đơn, giấy biên nhận. Tại Điều 15 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cũng quy định rõ: "Giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng".

Cũng theo ông Tuấn Anh, hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng dù đã được công chứng nhưng vẫn có thể bị tòa án tuyên vô hiệu vì hợp đồng được xác lập nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Khi hợp đồng bị tòa án tuyên vô hiệu thì các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận (người bán hoàn trả tiền đã nhận, người mua hoàn trả nhà đất). Hoặc khi có tranh chấp xảy ra, 2 bên thanh lý hợp đồng.

"Nếu điều đó xảy ra, đương nhiên, đây là thiệt thòi lớn đối với người mua. Có thể chủ đầu tư sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng nhưng sẽ chỉ trả lại số tiền ghi trong hợp đồng. Lúc này người mua cũng đành chấp nhận vì giấy trắng mực đen rất rõ ràng, không có bằng chứng để chứng minh mình đã đưa tiền cho người bán nhiều hơn", luật sư phân tích.

Tác giả: Hà Phong

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến