Dòng sự kiện:
Các yếu tố giữ VND ổn định vẫn được duy trì
25/05/2022 13:30:36
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ít nhiều tác động đến tỷ giá đồng Việt Nam (VND), song các yếu tố cơ bản để giữ VND ổn định vẫn được duy trì.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP.HCM

Thưa ông, sau 2 đợt tăng lãi suất của Fed, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định, nhưng lộ trình tăng thêm lãi suất để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới của Fed liệu có tác động lên VND?

Sau 2 đợt điều chỉnh tăng lãi suất của Fed trong tháng 3 và đầu tháng 5 vừa qua, USD mạnh, kéo tỷ giá USD/VND tăng, nhưng không đáng kể. VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực châu Á. Trên thị trường ngoại hối, VND hầu như đi ngang trong những tuần gần đây, trái ngược với xu hướng giảm của các đồng tiền trong khu vực.

Các yếu tố cơ bản hỗ trợ tỷ giá USD/VND ổn định trong giai đoạn này là gì, thưa ông?

Yếu tố hỗ trợ chính trong giai đoạn này là nguồn cung USD tích cực (cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm; giải ngân FDI đạt 5,9 tỷ USD). Dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ổn định tỷ giá.

Bên cạnh đó, nguồn kiều hối về Việt Nam cũng tăng. Số liệu từ NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy, kiều hối trong quý I/2022 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, sát diễn biến thị trường, nhưng nếu cường độ tăng lãi suất của Fed mạnh hơn, thì chúng ta cũng nên cẩn trọng.

Áp lực tăng lãi suất tiết kiệm VND đang khá lớn, ông có nhận định gì về vấn đề này?

Không phải đến thời điểm này lãi suất tiết kiệm VND mới tăng, mà đã có dấu hiệu đi lên nhẹ từ cuối năm 2021 khi nhu cầu tín dụng của khách hàng cải thiện sau thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu tác động của Covid-19.

Trong năm qua, khi lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp, huy động vốn của ngân hàng giảm mạnh, tiền nhàn rỗi từ dân cư đổ vào kênh chứng khoán, bất động sản, vàng... Vì thế, để có thể huy động được nguồn vốn nhàn rỗi đáp ứng cầu tín dụng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022, ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm 0,3 - 0,5% so với cuối năm 2021.

Theo tôi, mặt bằng lãi suất huy động VND có khả năng còn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm nay, do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất huy động VND sẽ không lớn, khoảng 30 - 50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Còn với lãi suất huy động USD, hiện các ngân hàng vẫn áp dụng mức 0%.

Khi chi phí đầu vào tăng, các nhà băng cũng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay đi lên?

Chính phủ và NHNN đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong năm 2022 - 2023, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Bên cạnh đó, NHNN đang triển khai gói cấp bù lãi suất quy mô 3.000 tỷ đồng, với mức lãi suất cho vay chỉ 3 - 4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19. Chính phủ cũng có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên 40.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên. Gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2022.

Ngoài ra, NHNN sẽ kiểm soát kỹ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT…

Tuy nhiên về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng.

Tín dụng của nền kinh tế tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay. Có ý kiến cho rằng, tín dụng tăng, thì khó tránh vốn chảy vào bất động sản, còn thực tế thì thế nào, thưa ông?

Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 25/4/2022, tín dụng tăng tới 6,75% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021). Riêng TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 7%. Trong đó, tín dụng tăng mạnh nhất vào khu vực doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến hết quý I/2022, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp trong trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM tăng 23,4%.

Đối với lĩnh vực bất động sản, cũng theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống các tổ chức tín dụng là gần 2,077 triệu tỷ đồng (bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản là 34,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.

Tác giả: Vân Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến