Ngày 8/11, hàng chục triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra các thành viên mới trong Quốc hội, chính quyền cấp bang và các cấp thấp hơn. Cuộc bầu cử diễn ra khi phe Dân chủ đang chiếm đa số rất mong manh tại lưỡng viện, và nhiều cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy, đảng Cộng hòa có thể sẽ giành ưu thế và chiếm lại quyền kiểm soát Hạ viện từ phe Dân chủ của Tổng thống Joe Biden. Cũng có nghĩa, 2 năm cuối nhiệm kỳ của ông Biden có thể sẽ gặp vô vàn khó khăn và thách thức.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu giữa kỳ sớm tại Minneapolis hôm 23/9. Ảnh: AP.
Năm nay, ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ còn bầu lại hàng loạt vị trí thống đốc các bang và lãnh đạo chính quyền địa phương. Hiến pháp Mỹ quy định, nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm, Hạ nghị sĩ nhiệm kỳ 2 năm, thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm. Do đó, cứ mỗi 2 năm, vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 1/3 trong tổng số 100 ghế tại thượng viện.
Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 8/11 để bầu lại tất cả 435 ghế hạ nghị sĩ; 35/100 ghế thượng nghị sĩ và 36 thống đốc bang và hàng loạt cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Giới chuyên gia bình luận, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là yếu tố quan trọng tại các bang chiến địa. Vì vậy, đảng Dân chủ những ngày qua đang hối thúc cử tri bỏ phiếu sớm cả bằng bỏ phiếu qua thư hoặc trực tiếp tại các khu vực bầu cử để tỷ lệ cử tri đi bầu đạt kết quả cao nhất.
Ngày 29/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng cháu gái Natalie đã đi bỏ phiếu sớm tại bang Delaware, quê nhà của ông. Đến ngày 3/11, đã có hơn 32 triệu cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu sớm. Các bang có số lượng bỏ phiếu sớm lớn nhất gồm có: California, Texas, Florida, Washington, Georgia hay North Carolina…
Vào những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử, Tổng thống Biden đang tăng cường vận động tranh cử tại các bang như Pennsylvania, Florida, New Mexico và Maryland. Trước đó, ông cũng đã tới vận động tại 36 khu vực bầu cử. Về xu hướng bỏ phiếu, cuộc thăm dò dư luận mới đây do ABC News/Ipsos thực hiện cho thấy, khoảng 50% người Mỹ cho rằng, kinh tế hoặc lạm phát là những vấn đề quan trọng nhất chi phối lá phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ lần này.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ gửi đi tín hiệu về các chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong 2 năm tới.
Tầm quan trọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đối với ông Biden
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ được coi là một cuộc trưng cầu dân ý toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ rất quan trọng bởi việc đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden có kiểm soát được cả hai viện hay không có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành chương trình nghị sự hoặc chính sách của ông Biden trong thời gian tới. Trong 2 năm qua, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số ghế ở cả Hạ viện và Thượng viện, tạo điều kiện để ông Biden có thể dễ dàng thông qua những điều luật và chính sách mà ông muốn. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa thành viên đảng Dân chủ và Cộng Hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện là không đáng kể và điều này đang tạo ra sự cạnh tranh gay cấn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nếu giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội – đặc biệt là trong môi trường chính trị phân cực ở nước Mỹ ngày nay – đảng đối lập, cụ thể là đảng Cộng hòa về cơ bản có thể làm xáo trộn tất cả các chương trình nghị sự lập pháp của tổng thống và ngăn chặn việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng như thẩm phán và các đại sứ.
Nếu Đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden sẽ không còn khả năng thực thi chính sách. Tất cả các đạo luật, chỉ trừ những luật cơ bản nhất, sẽ bị đình trệ, và các vị trí do liên bang bổ nhiệm như đại sứ và thẩm phán sẽ trở thành những trận chiến chính trị. Trong khi đó, nếu Đảng Cộng hòa giành được Hạ viện và Đảng Dân chủ giữ được Thượng viện, chương trình lập pháp của ông Biden vẫn sẽ bị dừng lại mặc dù ông vẫn có thể ảnh hưởng đến chính sách thông qua các vai trò do Thượng viện bổ nhiệm như thẩm phán và đại sứ.
Có thể nói rằng kết quả cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ trong 2 năm tới và đó là lý do vì sao người dân Mỹ coi đây là một sự kiện hết sức quan trọng.
Yếu tố quyết định kết quả cuộc bầu cử lần này
Vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm nhất trong kỳ bầu cử năm nay vẫn là kinh tế, hay cụ thể là lạm phát và việc làm. Theo các kết quả thăm do dư luận, có tới 70-80% số người được hỏi cho biết kinh tế sẽ là yếu tố tác động lớn đến lá phiếu trong ngày bầu cử 08/11 tới. Về lạm phát, giá cả nhiều loại mặt hàng đặc biệt là nhiên liệu đã giảm đáng kể nhưng giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 8% so với trung bình năm ngoái.
Trong khi đảng Dân chủ cho rằng lạm phát có liên quan đến các sự kiện toàn cầu, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine hay chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19, thì đảng Cộng hòa cho rằng chi tiêu của chính phủ mới là nguyên nhân chính. Ngược lại, khía cạnh việc làm lại là một điểm sáng cho Chính quyền Tổng thống Biden khi số việc làm được tạo mới gia tăng đều đặn trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn khoảng 3,5% so với mức kỷ lục 14,7% hồi tháng 4/2020.
Vấn đề tiếp theo là quyền phá thai vốn đang được đảng Dân chủ vận động mạnh mẽ khi coi đó như một cuộc trưng cầu dân ý về quyền sinh sản. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có tới 35% số cử tri đảng Cộng hòa và 60% cử tri đảng Dân chủ coi đây là một trong các vấn đề quan trọng đối với cuộc sống của họ trong thời gian tới.
Sau vụ bạo loạn ngày 06/01/2021 khi hàng nghìn người ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ thì câu hỏi về nền dân chủ Mỹ nổi lên như một chủ đề tranh luận chính trong chiến dịch tranh cử. Với việc ông Trump hé lộ khả năng quay lại tranh cử Tổng thống vào năm 2024, phe Dân chủ tuyên bố việc ngăn chặn đảng Cộng hòa trở lại nắm quyền là cần thiết để bảo vệ nền dân chủ Mỹ.
Ngoài ra, một số vấn đề xã hội dai dẳng, kéo dài hàng chục năm qua trong đời sống chính trị của người dân Mỹ như chính sách nhập cư, kiểm soát súng đạn, an toàn công cộng hoặc biến đổi khí hậu… cũng là những vấn đề được cử tri quan tâm nhưng không thu hút được sự chú ý như trong một số cuộc bầu cử trước đây.
Hai nhân tố khác cũng được cho là có thể sẽ có tác động lớn đến kết quả bầu cử năm nay nhưng khó đánh giá là các ứng cử viên lưỡng lự, chưa quyết định bỏ phiếu ủng hộ “xanh hay đỏ” và cá nhân cựu Tổng thống Trump.
Những kịch bản đang chờ nước Mỹ
Kỳ bầu cử lần này cũng được xem là một trong những kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ phức tạp và khó dự báo và lợi thế dẫn trước của mỗi đảng thay đổi theo từng giai đoạn. Cho đến nay, mặc dù hàng nghìn cuộc thăm dò dư luận và mô hình dự báo đã được thực hiện nhưng không một hãng thăm dò nào có thể khẳng định ai sẽ là người giành chiến thắng trong từng cuộc đua cụ thể. Bầu cử Mỹ thường tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ và trong kỳ bầu cử năm nay cũng không là ngoại lệ.
Mặc dù kết quả chính thức của cuộc bầu cử sắp tới chỉ được công bố sau ngày 8/11 nhưng được dự báo sẽ không nằm ngoài 3 kịch bản, bao gồm: đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện; đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện và cuối cùng là đảng Dân chủ thất bại ở cả hai viện Quốc hội Mỹ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia bầu cử và các kết quả thăm dò dư luận, tính đến thời điểm cuối tháng 10, thì kịch bản thứ hai, đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện, nhiều khả năng sẽ diễn ra nhất. Khả năng tiếp theo sẽ là kịch bản thứ ba và gần như không có cơ hội cho kịch bản thứ nhất diễn ra.
Đối với kịch bản thứ hai, để giành lại thế đa số tại Hạ viện, đảng Cộng hòa sẽ cần giành thêm ít nhất 5 ghế trong khi phải duy trì được 212 ghế như hiện nay và 01 ghế trống vốn thuộc đảng Cộng hòa. Theo các kết quả thăm dò dư luận và mô hình dự báo kết quả bầu cử, hiện có khoảng 177-191 khu vực bầu cử chắc chắn bầu cho ứng cử viên đảng Dân chủ và 199-211 khu vực bầu cử chắc chắn bầu cho ứng cử viên đảng Cộng hòa. Trong đó, 33 khu vực bầu cử còn lại hiện đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng nhưng cũng chỉ tập trung chính vào một số bang như Michigan, New Hamsphire, Ohio, California và Texas.
Trong khi đó, tại Thượng viện, cuộc đua ngày càng trở nên quyết liệt và gay gắt hơn. Đảng Cộng hòa chỉ cần giành thêm được 1 ghế là có thể phá vỡ thế cân bằng và chiếm đa số. Trong số 35 ghế Thượng nghị sỹ được bầu lại, hiện có từ 8-11 ghế nhiều khả năng thuộc về đảng Dân chủ trong khi con số này của đảng Cộng hòa là từ 14-19. Cuộc chạy đua giành 5 chiếc ghế còn lại sẽ tập trung vào các bang, vốn được xem là hay thay đổi như Arizona, Georgia, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin. Đó là 3 kịch bản của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ năm nay và mọi thứ sẽ ngã ngũ sau ngày 8/11 tới./.
Tác giả: Phạm Huân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy