Dòng sự kiện:
Cách hành xử vô đạo đức khi để dân dùng nước nhiễm dầu dầu Viwasupco
16/10/2019 11:58:36
Các chuyên gia bày tỏ sự bất bình khi Cty nước sạch sông Đà phát hiện dầu loang từ sớm nhưng không báo cáo sự việc mà tự tăng hóa chất xử lý nước. Đây là nguyên nhân khiến người dân sử dụng nước có mùi nồng nặc.

Trước vụ việc phát hiện hàng tấn dầu loang ở đầu nguồn cấp, nhưng nhà máy nước vẫn cấp cho người dân tại Hà Nội sử dụng, tiến sĩ, chuyên gia vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng đây là hành động vô nhân tính.

"Cả một nhà máy nước lớn như thế, cung cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân mà không một ai đi kiểm tra, biết được nước bị nhiễm dầu thải. Đến khi người dân kêu ca, phàn nàn rồi mới đi kiểm tra? Họ hạn chế về năng lực hay đây là hành động lấp liếm, coi thường sức khỏe của người dân?", tiến sĩ Khải đặt câu hỏi.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, sự vô trách nhiệm của CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thể hiện việc nước rõ ràng có mùi lạ, thậm chí còn không xác định được là mùi gì, nguyên nhân gây mùi mà vẫn bán cho dân.

"Công ty nước sạch họ kiểm tra nước thế nào? Nước bị nhiễm tạp chất từ đầu nguồn, xử lý xong đến khi cho ra nước cho người dân không đạt tiêu chuẩn mà cũng không thông báo, cảnh báo gì đến người dân. Nếu hàng chục nghìn người này sử dụng nước này rồi nhiễm bệnh thì hậu quả sẽ khủng khiếp ra sao?", ông bức xúc.

Theo ông Khải, thành phố Hà Nội phải xác định những cá nhân không làm tròn trách nhiệm, không đảm bảo được chất lượng nước cung cấp cho người dân, đe dọa đến sức khỏe của họ. Nhà máy nước cần công bố ngay các chỉ số về chất lượng nước, có những chất độc hại gì, hàm lượng các chất ra sao và yêu cầu người dân ngưng sử dụng hoặc cắt nước.

"Đối với những hộ dân đang không có nước sạch, nhà máy nước phải có trách nhiệm cung cấp nguồn khác như xe bồn chở nước hay lắp đặt các đường dẫn tạm thời", ông Khải nói.

Nguồn nước cấp cho nhà máy bị nhiễm dầu. Ảnh: Mạnh Thắng

Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải (Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam) đánh giá nếu đúng như thông tin việc có khoảng 2 tấn dầu thải bị đổ trộm vào nguồn nước cấp, không bao giờ có chuyện nước thành phẩm vẫn đảm bảo.

 "Tôi cho rằng đây là sự vô trách nhiệm của công ty cung cấp nước, sự thiếu kiểm tra, đánh giá của các cơ quan quản lý nước sạch ở Hà Nội. Một vụ việc nghiêm trọng như vậy mà không ai biết, người dân dùng nước nhiễm bẩn, sinh bệnh tật thì ai chịu trách nhiệm?", GS Hoàng Hải nói và cho rằng đây là minh chứng việc công ty cung cấp nước đặt lợi nhuận, sản xuất lên trên sức khỏe người dân.

Theo ông, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xác định mức độ nghiêm trọng và đánh giá thiệt hại đến sức khỏe người dân trong vụ việc này. Nếu các đơn vị cung cấp nước không đủ năng lực cần phải được thay thế, không thể có chuyện vi phạm nghiêm trọng mà vẫn cho hoạt động được.

"Người dân còn quá hiền, họ quá quen với việc chất lượng nước không đảm bảo, chỉ biết kêu trời rồi xách nước rồi mua nước từ xe bồn. Rồi cuối tháng lại phải thanh toán tiền cho đơn vị cấp nước bẩn cho mình. Nếu những vụ việc này xảy ra ở nước ngoài, cá nhân liên quan có thể bị truy cứu hình sự", giáo sư Hải nhấn mạnh.

Cư dân Linh Đàm xếp hàng lấy nước sạch được chở đến bằng ô tô. Không ai dám dùng nước "sạch" do Công ty Sông Đà cung cấp. Ảnh: Nguyễn Hùng

Như đã đưa tin, sự việc xảy ra gần 1 tuần nhưng đến sáng 14/10, Viwasupco mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 - 11/10/2019. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo Cty cho hướng xử lý.

Sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên Cty buộc phải giảm áp để duy trì cấp nước.
Về việc xử lý váng dầu, Cty đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu gom, vị trí đặt phao. 

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tốn, Cty đã tiến hành bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý, cũng như tăng hóa chất xử lý trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l.
“Để tìm nguyên nhân xuất hiện váng dầu, Cty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy đi kiểm tra và thông báo với công an xã, chính quyền địa phương, công an huyện để điều tra, làm rõ”, báo cáo nêu.

Thực tế, từ ngày 13/10, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, PV Tiền Phong liên hệ với Ban lãnh đạo Viwasupco để chia sẻ một số hình ảnh, video clip ghi lại cảnh có vết dầu loang tại đầu nguồn nước nhà máy sông Đà. Thế nhưng, phản hồi lại thông tin này, lãnh đạo Viwasupco khẳng định: “Nhầm lẫn, không phải vị trí gần nhà máy”. Đến khi mọi thông tin được xác minh và công khai lên mặt báo thì Viwasupco mới cấp tập làm văn bản báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về sự cố dầu thải đầu nguồn nước.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, lãnh đạo Viwasupco vẫn khẳng định: Chúng tôi không giấu giếm gì và đang nỗ lực khắc phục sự cố. Về việc chậm báo cáo sự cố, đơn vị này cho rằng do đoàn liên ngành yêu cầu báo cáo nên thời điểm này mới làm. Trả lời câu hỏi của PV nếu nước không đảm bảo chất lượng, Cty có bồi thường thiệt hại cho khách hàng hay không? Đại diện Viwasupco nói: “Chưa tính tới phương án đó, bởi chúng tôi là bán buôn tới các Cty nước sạch rồi các Cty này mới bán lẻ cho người dân”.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến