Theo ông, những dấu hiệu nào cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới đã lan tỏa vào thị trường tài chính Việt Nam?
Điều này khá rõ và thể hiện qua sự thay đổi hình thái hợp tác giữa các tổ chức tài chính như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... với các công ty Fitech.
Ban đầu, do quy mô nhỏ, lại bị coi là đối thủ, nên các công ty Fitech không được các tổ chức tài chính đánh giá cao và hai bên không hợp tác. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo, nhờ các công ty Fitech phát huy tốt những lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nên hình thái hợp tác giữa khối này và các công ty tài chính chuyển từ đối thủ sang đối tác, với những tương tác chặt chẽ nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên...
Sự lan tỏa này đang mang lại những cơ hội phát triển mới nào cho thị trường tài chính, thưa ông?
Với đặc điểm của một nền kinh tế đang có lực lượng lao động ở độ tuổi "vàng", đó là sự năng động, khả năng thích ứng nhanh với công nghệ thông tin..., cách mạng 4.0 đang mang lại những cơ hội phát triển mới cho thị trường tài chính Việt Nam vốn được đánh giá còn nhiều tiềm năng cho phát triển các sản phẩm tài chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Điều này thể hiện qua xu hướng hợp tác ngày càng thường xuyên, chặt chẽ giữa các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... với các công ty công nghệ Fitech.
Mặt khác, cùng với việc thị trường tài chính Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu, cách mạng 4.0 cũng sẽ mang đến những nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, cùng với đó là hệ thống công nghệ với nhiều giải pháp thông minh, hiện đại…, từ đó giúp gia tăng tính tự động hóa trong hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tài chính Việt Nam, cũng như trong giao dịch của nhà đầu tư. Chính những yếu tố này sẽ làm nên diện mạo mới cho thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn tới.
Một tất yếu khách quan là cơ hội luôn đi liền với thách thức. Vậy đâu là thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam?
Thách thức đầu tiên là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Việt Nam phải đầu tư lớn hơn cho phát triển hệ thống công nghệ để bắt kịp với xu thế của thế giới về điện tử hóa, tự động hóa quá trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khách hàng.
So với các đối thủ trên thị trường tài chính quốc tế, việc làm cách nào để thu xếp hiệu quả nguồn lực tài chính cho triển khai các hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm vừa đạt hiệu quả kinh doanh, vừa tránh đầu tư dàn trải, là hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức thứ hai là việc số hóa các dữ liệu về khách hàng, thị trường. Thông thường, muốn quá trình mã hóa dữ liệu chuẩn xác, hiệu quả, thì đòi hỏi thông tin phải minh bạch. Thế nhưng, mức độ dễ dàng trong quá trình thu thập thông tin, cũng như tính tin cậy của thông tin thu thập được trên thị trường tài chính Việt Nam còn không ít hạn chế so với các thị trường tài chính quốc tế. Theo tôi, đây là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt khi tham gia cuộc chơi theo quy chuẩn của thời cách mạng 4.0.
Để tương thích với xu hướng quốc tế, ngoài sự năng động và tích cực của các doanh nghiệp, đòi hỏi cả sự vào cuộc của các cơ quan quản lý ở khía cạnh chủ động điều chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu điện tử hóa, tự động hóa quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Một vấn đề đang đặt ra là hiện có không ít quy định pháp lý can thiệp khá sâu vào quy trình hoạt động của các tổ chức tài chính. Thêm vào đó, những quy trình này lại thay đổi khá thường xuyên, trong khi cần phải có tính dự báo và ổn định cao thì mới đáp ứng được yêu cầu số hóa dữ liệu thông tin đầu vào cho quá trình thiết kế và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Khi chính sách thường xuyên thay đổi sẽ khiến các tổ chức tài chính gặp khó khăn, tốn kém trong quá trình số hóa dữ liệu, ảnh hưởng đến việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo phương thức tự động hóa.
Theo ông, cách nào để thị trường tài chính Viêt Nam hóa giải thách thức, đón bắt thành công cơ hội từ cách mạng 4.0?
Đầu tiên là cần thúc đẩy việc minh bạch hóa thông tin của thị trường để tạo thuận lợi cho các công ty cung cấp dịch vụ trong việc số hóa dữ liệu, thông tin đầu vào khi thiết kế các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Nếu như với thị trường trái phiếu chính phủ hiện thông tin đã khá tập trung và chuẩn hóa, thì thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa kém minh bạch, vừa khó tiếp cận. Nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tài chính khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo phương thức điện tử.
Tiếp đó, các công ty tài chính cần thường xuyên cập nhật xu thế của cách mạng 4.0 để đưa ra lời giải tối ưu cho bài toán đầu tư hạ tầng công nghệ, nhằm vừa phù hợp với khả năng tài chính của mình, vừa khai thác hiệu quả sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính cũng phải chủ động hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, để vừa chủ động đón bắt những cơ hội phát triển mới trên thị trường, vừa nâng cao khả năng đáp nhu cầu đa dạng của khách hàng. Cùng với đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ cần chú trọng các hoạt động truyền thông, đào tạo nhà đầu tư... để giúp khách hàng dần làm quen với các sản phẩm, dịch vụ mới được cung cấp theo phương thức tự động hóa…
Về phía các cơ quan quản lý, cần tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm vừa tránh can thiệp sâu vào quy trình, nghiệp vụ của các tổ chức tài chính, vừa đảm bảo tính ổn định để tránh gây xáo trộn cho quá trình thiết kế, cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo phương thức điện tử.
Cách mạng 4.0 mang lại động lực phát triển mới cho thị trường tài chính
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường tài chính Việt Nam sẽ rộng cửa hơn khi đón chào các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ trên khía cạnh là đối tác tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính, mà còn cả ở vai trò nhà đầu tư chiến lược. Điều này sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam mở rộng cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, vốn đang là một trong những hạn chế lớn của thị trường. Khi có nhiều hơn các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính mạnh tham gia thị trường tài chính Việt Nam, thì sẽ tạo thuận lợi cho cả bên phát hành và bên huy động vốn.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nhà đầu tư nước ngoài thường đưa ra yêu cầu, chuẩn mực cao hơn cả về sử dụng dịch vụ phát hành, lẫn sản phẩm phát hành. Điều này đòi hỏi cả tổ chức cung cấp dịch vụ lẫn các nhà phát hành Việt Nam phải nâng tầm chất lượng hoạt động thì mới có thể đón bắt tốt các cơ hội.
Vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế không thể đảo ngược, nên hóa giải thành công các thách thức, đón bắt tốt các cơ hội, sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho thị trường tài chính Việt Nam.
Theo ĐTCK
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy