Dòng sự kiện:
Cách thức điều hành đường dây than lậu tinh vi 'đại gia' lan đột biến
28/08/2021 16:13:10
Trong thời gian dài, đường dây than lậu của 'đại gia' lan đột biến dùng nhiều thủ đoạn tinh 'che mắt' lực lượng chức năng trên địa bàn để khai thác, tiêu thụ hàng triệu tấn than.

Mới đây, đường dây khai thác than lậu với quy mô cực lớn vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) triệt phá. Số lượng than bị khai thác lậu lên đến cả triệu tấn, diễn ra rầm rộ trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Đường dây này liên quan đến nhiều đối tượng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có Bùi Hữu Giang là "đại gia" từng tổ chức giao dịch cuộc mua bán lan đột biến với giá 250 tỷ đồng. Ngoài ra lực lượng C03 còn bắt tạm giam 12 người khác. Trong đó có bà Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, trú quận 12, TP HCM.

Lực lượng chức năng kiếm có mặt ở kho than tại Hải Dương.

Chuyên án thành công, dư luận tại tỉnh Hải Dương, tỉnh Thái Nguyên… quan tâm, vì sao trong một thời gian dài đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu này hoạt động rầm rộ như vậy mà các đơn vị chức năng trên địa bàn không hề hay biết. Liệu còn những ai liên quan đến đường dây này tiếp tục sẽ bị khởi tố để điều tra.

Theo tài liệu điều tra, thì Châu Thị Mỹ Linh cùng với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức đường dây khai thác than lậu.

Vào năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn.

Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, năm 2018, Công ty Yên Phước mới bắt đầu khai thác than bằng hình thức lộ thiên.

Chưa đầy 1 năm sau, Châu Thị Mỹ Linh đã "bán cái" toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh điều hành.

Theo thỏa thuận, công ty của bà Mỹ Linh đồng ý cho công ty của Hữu Giang khai thác, chế biến than tại mỏ với giá 450.000 đồng/1 tấn than thành phẩm. Công ty TNHH Đông Bắc Hải sẽ khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, thời hạn trong 5 năm.

Các bị can bị khởi tố trong đường dây khai thác than lậu.

Như vậy, ngay từ khi thỏa thuận và ký hợp đồng, bị can Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hằng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).

Tại thời điểm khám xét tại mỏ, CQĐT xác định từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác "chui" gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.

Theo kết luận ban đầu của CQĐT, trong thời gian dài việc khai thác, tiêu thụ than diễn ra rầm rộ, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt các đơn vị quản lý trên địa bàn.

Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khai thác hằng năm chỉ bằng đúng với số lượng được cấp phép.

Hàng triệu tấn than khai thác "chui" được bị can Linh cùng Giang và Thanh tổ chức tiêu thụ trái phép, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường.

Kết quả điều tra cũng xác định công ty của Linh đã bán cho công ty của Giang hơn 1 triệu tấn than được khai thác lậu, thu về số tiền hơn 121 tỷ đồng.

Ngoài ra, CQĐT còn xác định hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản, không đúng với nội dung giấy phép của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỷ đồng.

Sa Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến