Giá vàng tăng kỷ lục khiến người dân đổ xô đi mua vàng. Ảnh: Đức Thanh
Việc giải quyết điểm nghẽn cho thị trường vàng không phải là không có cách, song không phải với cơ chế, chính sách hiện nay.
Vàng nhẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2024
Tuần qua, giá vàng miếng SJC trong nước chạm mốc lịch sử 90 triệu đồng/lượng, khi giá vàng thế giới lập kỷ lục chưa từng có (2.790 USD/ounce). Mặc dù đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng trong nước đã mất mốc 90 triệu đồng, giảm còn 89,5 triệu đồng/lượng với vàng miếng và gần 89 triệu đồng/lượng (vàng nhẫn) song so với đầu năm, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Cụ thể, so với đầu năm nay, vàng miếng SJC đã tăng 15 triệu đồng/lượng, tức tăng 20%. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng tới 26 triệu đồng/lượng, tức tăng 41%. Trên thế giới, giá vàng 10 tháng đầu năm tăng 33%.
Bất chấp giá vàng trong nước tăng cao kỷ lục, tuần qua, người dân vẫn xếp hàng đi mua vàng và hầu hết phải ra về tay không, vì các tiệm vàng không còn hàng để bán.
Theo chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh, giá vàng thế giới tăng mạnh thời gian qua là do một số yếu tố như: căng thẳng địa chính trị, các ngân hàng trung ương (đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) hạ lãi suất, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu… Riêng ở Việt Nam, ngoài nguyên nhân giá vàng thế giới tăng, còn là vì thị trường chứng khoán “đì đẹt” mãi ở mốc 1.200 điểm, thị trường bất động sản vẫn trong tình thế “kẹt” thanh khoản.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng cao một phần còn do thị trường rơi vào cảnh khan hàng sau khi cơ quan quản lý tiến hành một loạt giải pháp hạn chế mua bán vàng, kiểm tra chặt chẽ hóa đơn giao dịch vàng.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, mặc dù Chính phủ liên tục đưa ra những giải pháp để quản lý thị trường vàng, nhưng đến nay vàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, cung không đủ cầu, người dân phản ánh mua vàng khó khăn, trong khi nhập lậu vàng vẫn còn phức tạp, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp hữu hiệu với thị trường vàng.
Tương tự, đại biểu Lê Thị Nga (Hà Nam) cũng đề nghị Chính phủ tập trung sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để thị trường này sớm vận hành bình thường trở lại.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, trong quý III/2024, tiêu thụ vàng miếng của Việt Nam giảm tới 33%, trong khi cầu vàng các nước trong khu vực đều tăng trưởng hai con số.
Hy sinh thị trường vàng để ổn định vĩ mô?
Giá vàng thế giới và trong nước cuối tuần qua điều chỉnh nhẹ, song hiện vẫn có nhiều dự báo giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce. Dự báo này có thể thành hiện thực, bởi thị trường vàng đang được rất nhiều yếu tố hỗ trợ. Thực tế, so với cuối năm ngoái, vàng đã tăng giá tới 50%.
Bài toán quản lý thị trường vàng có thể được giải quyết triệt để hơn, khi tới đây, Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, hay Trung tâm tài chính quốc tế khu vực ở Đà Nẵng được thành lập. Theo đó, Việt Nam có thể xem xét thành lập sàn giao dịch vàng liên thông với thế giới, giải quyết nhu cầu đầu tư vàng của người dân. Còn với tình hình hiện nay, giải quyết bài toán quản lý thị trường vàng là câu chuyện rất khó. TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội (Đoàn TP.HCM) |
Tuy vậy, theo ông Phan Dũng Khánh, thời điểm này đầu tư vàng ngắn hạn khá rủi ro vì giá vàng đã tăng rất nhanh thời gian qua và khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên trong thời gian tới. Hội đồng Vàng thế giới nhận định, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương - động lực tăng giá của vàng thời gian qua, đã chậm lại trong quý III/2024. Trong lịch sử, chu kỳ 10 năm của vàng thì phần lớn thời gian là đi ngang, chỉ 1 - 2 năm giá tăng mạnh, 1 - 2 năm giá sụt giảm. Tính đến thời điểm này, vàng đã có giai đoạn tăng giá khá dài và khá hiếm trong lịch sử.
Dù vậy, ngay cả khi thị trường điều chỉnh, theo các chuyên gia, sẽ khó có chuyện vàng rớt giá sâu về dưới 2.000 USD/ounce. Nói cách khác, khả năng điều chỉnh giá vàng có thể diễn ra, song mặt bằng giá mới của vàng đã được thiết lập. Lý do là nếu vàng giảm giá sâu, rất nhiều “cá mập” sẵn sàng đổ xô vào vàng.
Về quản lý thị trường vàng trong nước, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội (Đoàn TP.HCM) nhận xét, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra thời gian qua đã có hiệu quả nhất định. Giá vàng thế giới tăng 33%, trong khi giá vàng miếng SJC chỉ tăng 20% là minh chứng.
Mặc dù cho rằng thị trường vàng vẫn đang là một “điểm nghẽn” cần tìm cách giải quyết, song theo ông Ngân, nếu để người dân thoải mái mua vàng thì cân đối vĩ mô sẽ bị phá vỡ, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chi lượng ngoại tệ lớn cho nhập khẩu vàng.
“Đôi khi chúng ta phải chấp nhận hy sinh quyền mua vàng của người dân để giải quyết điểm nghẽn lớn hơn, đó là giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ với các quyết định liên quan đến thị trường vàng. Theo đại biểu này, tình trạng người dân đổ xô vào vàng là dễ hiểu, khi thời gian qua lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường chứng khoán và bất động sản kém hấp dẫn. Nhưng đối với nền kinh tế, tìm giải pháp để người dân rót vốn vào sản xuất, kinh doanh có lợi hơn là để người dân đổ xô vào tích trữ vàng.
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy