Trong vài năm gần đây, lừa đảo hẹn hò trực tuyến đã gia tăng mạnh tại Việt Nam với hàng ngàn nạn nhân. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng tài khoản giả, danh tính ảo để kết nối với nạn nhân qua các ứng dụng hẹn hò hoặc mạng xã hội. Sau khi tạo dựng niềm tin, chúng bắt đầu đưa ra các yêu cầu tiền bạc với những lý do hợp lý như khó khăn tài chính, viện phí, hoặc chi phí di chuyển.
Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, nhiều vụ lừa đảo có tổ chức, thậm chí có yếu tố xuyên quốc gia. Những kẻ lừa đảo không chỉ nhắm vào những người trẻ tuổi đang tìm kiếm mối quan hệ nghiêm túc mà còn lợi dụng người lớn tuổi, những người cô đơn hoặc dễ tổn thương. Kết quả là, các nạn nhân thường mất hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Chuyển người tình 12 tỷ đồng sau ba năm trò chuyện online
12 tỷ đồng là số tiền một người đàn ông bị chiếm đoạt bởi một người phụ nữ 45 tuổi tạo vỏ bọc cho mình là một hotgirl 25 tuổi, Việt Kiều Canada trên mạng xã hội. Người đàn ông trong vụ việc này là ông N.V.H kiến trúc sư (46 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
'Kiều nữ' lừa người tình qua mạng chiếm đoạt 12 tỷ đồng
Theo lời ông H., ông quen “cô gái trẻ” này khi tham gia một nhóm về Phật pháp trên mạng xã hội. Qua tin nhắn trao đổi, cô gái trên mạng giới thiệu với ông H. mình là Đào Ngọc Minh (25 tuổi), mang quốc tịch Canada, ở Việt Nam, trú tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Cô gái 25 tuổi này còn nói rằng có bố mẹ đang sống, làm việc về doanh nghiệp vận tải tàu biển ở TP.HCM. Đào Ngọc Minh có cổ phần trong công ty và cùng chị nuôi là Đào Thị Mộng Thường phụ trách tài chính công ty. Bố của Minh ở bên Canada có ba căn chung cư cho thuê. Trên trang cá nhân, Minh thường xuyên khoe cuộc sống sang chảnh. Minh còn nhờ 1 số người quen vào nói chuyện qua lại với ông H. kể về gia thế khủng của "hot girl" này.
Qua quá trình trò chuyện trên mạng xã hội, ông H. có tình cảm yêu đương Minh và đã chuyển cho cô này tổng số hơn 12 tỷ đồng vào tài khoản của Thường, mặc dù 3 năm chưa gặp mặt.
Dù yêu nhau qua mạng hơn ba năm và nhiều lần chuyển tiền nhưng ông H. chưa một lần gặp mặt Minh ngoài đời thực.
Ông H. cũng đã nhiều lần đề nghị gặp mặt Minh nhưng Đào Thị Mộng Thường (chị nuôi của Minh) viện ra các lý do khác nhau để tránh việc gặp mặt. Nảy sinh nghi ngờ nên ông H. hẹn gặp chị nuôi Minh ở một khách sạn tại Đà Nẵng. Lúc này, ông H. điện thoại cho "người yêu" thì phát hiện Đào Thị Mộng Thường nghe điện thoại của Minh. Ông H. ngỡ ngàng khi biết Thường chính là Minh, còn nhân vật hot girl Đào Ngọc Minh không hề có thật. Tá hỏa vì bị nghi phạm dựng kịch lừa đảo chiếm đoạt với số tiền quá lớn, ông H. đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An để cầu cứu lực lượng chức năng vào cuộc.
Đây không phải trường hợp lừa đảo trên mạng hiếm gặp, trong thời gian qua cũng có rất nhiều trường hợp bị mất tiền oan khi kết bạn, làm quen với người khác giới qua các ứng dụng hẹn hò.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thông qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, tìm cách làm quen với những “con mồi tiềm năng”. Sau khi kết bạn và tạo được mức độ tin tưởng, các đối tượng sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia vào đầu tư tài chính đầy hấp dẫn. Thậm chí, đối tượng còn cho nạn nhân vào tài khoản của đối tượng để nạn nhân nhìn thấy lợi nhuận, sau đó tự đề nghị cùng tham gia đầu tư.
Bị bạn trai lừa gần 6 tỷ đồng đầu tư ảo
Đầu tháng 3/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn của chị T, trình báo bị chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng. Chị T. cho biết có tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông giới thiệu là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại Singapore. Sau khi tạo niềm tin với chị T., người này mời chị tham gia chơi tiền ảo. Do tin tưởng người tỉnh, chỉ trong vòng 5 ngày, chị đã chuyển cho các đối tượng 5,4 tỷ đồng.
Từ các vụ việc xảy ra gần đây, theo các chuyên gia, hiện nay không khó tìm kiếm các ứng dụng hẹn hò online trên trang web, hiển thị hình ảnh các cô gái đẹp, hở hang, khiêu gợi, nam giới nhẹ dạ cả tin rất dễ dính bẫy.
Theo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu và dự án xã hội chống lừa đảo Việt Nam thì Việt Nam nằm trong 10 điểm nóng lừa đảo trực tuyến thế giới. Chỉ riêng trong năm 2023, trung bình mỗi người Việt Nam tham gia khảo sát đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo. Có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Do vậy, Việt Nam được đánh giá là môi trường “đắc địa” cho lừa đảo trực tuyến do tốc độ phát triển công nghệ nhanh nhưng nhận thức về an toàn thông tin còn thấp.
Phân tích vấn đề này, Thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho rằng, một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy của lừa đảo hẹn hò, là sự phát triển mối quan hệ một cách nhanh chóng. Kẻ lừa đảo thường tỏ ra vô cùng quan tâm, gửi những lời khen ngợi và thổ lộ tình cảm sớm. Chúng có thể nói những điều như "Tôi chưa từng gặp ai như bạn" hoặc "Tôi muốn dành phần đời còn lại với bạn" chỉ sau vài ngày trò chuyện trực tuyến.
Hình minh hoạ
Mục đích của việc này là để chiếm lòng tin của nạn nhân nhanh nhất có thể, tạo cảm giác về một mối quan hệ nghiêm túc và lâu dài. Sau đó, chúng sẽ bắt đầu tạo dựng kịch bản để lợi dụng nạn nhân, như yêu cầu hỗ trợ tài chính hoặc viện lý do khó khăn để trì hoãn gặp mặt trực tiếp.
Cần lưu giữ tất cả các bằng chứng
“Một dấu hiệu rõ ràng của lừa đảo hẹn hò là khi đối phương liên tục né tránh các cuộc gọi video hoặc gặp mặt trực tiếp. Chúng có thể viện nhiều lý do như công việc bận rộn, ở nước ngoài, hoặc gặp vấn đề kỹ thuật để tránh việc lộ diện. Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ sử dụng ảnh giả hoặc hình ảnh của người khác, khiến nạn nhân tin rằng mình đang nói chuyện với một người thật, trong khi thực tế kẻ lừa đảo cố tình che giấu danh tính thật”- Thiếu tá Thanh nói.
Để bảo vệ bản thân và tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo hẹn hò trực tuyến, theo Thiếu tá Thanh người dân cần nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng tránh.
Đầu tiên và rất quan trọng là nâng cao nhận thức về an toàn mạng. Người dân cần hiểu rõ các rủi ro khi tham gia vào các mối quan hệ trực tuyến và học cách bảo vệ thông tin cá nhân. Không nên chia sẻ quá nhiều thông tin nhạy cảm như địa chỉ nhà, công việc, tài chính với những người mới quen qua mạng. Cùng với đó, trước khi tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc, theo ông Thanh, người dân hãy xác minh danh tính đối phương một cách cẩn thận. Yêu cầu đối phương gọi video hoặc gặp mặt trực tiếp trong môi trường an toàn. Nếu đối phương từ chối nhiều lần, đó có thể là dấu hiệu của lừa đảo.
“Người dân cũng nên sử dụng các công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược (Google Reverse Image Search) để kiểm tra xem hình ảnh của đối phương có phải là giả mạo hay không. Và một nguyên tắc quan trọng là không bao giờ gửi tiền cho người mà bạn chỉ quen biết qua mạng. Nếu đối phương yêu cầu tiền vì bất kỳ lý do gì, hãy xem đây là dấu hiệu đáng ngờ và ngừng liên lạc ngay lập tức. Kẻ lừa đảo thường lợi dụng lòng thương cảm của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản, vì vậy cần phải thận trọng”- Thiếu tá Thanh nói.
Cùng với đó, theo Thiếu tá Thanh, nếu người dân nghi ngờ rằng mình hoặc ai đó đang bị lừa đảo hẹn hò trực tuyến, hãy báo cáo ngay cho nền tảng hẹn hò hoặc mạng xã hội mà bạn đang sử dụng. Ngoài ra, bạn nên liên hệ với cơ quan chức năng, như công an hoặc các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để được hỗ trợ và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
“Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về mối quan hệ trực tuyến của mình, hãy tìm sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Họ có thể đưa ra những lời khuyên khách quan và giúp bạn nhìn nhận tình huống một cách sáng suốt hơn. Đôi khi, sự tư vấn từ người ngoài có thể giúp bạn tránh được những quyết định sai lầm. Và một cách hữu hiệu để trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết trong việc phòng tránh lừa đảo hẹn hò trực tuyến là tham gia vào các khóa học về an ninh mạng. Nhiều tổ chức và cơ sở giáo dục hiện nay đã tổ chức các buổi đào tạo hoặc hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề an ninh mạng, bao gồm lừa đảo trực tuyến”. Thiếu tá Thanh phân tích.
Những khóa học này sẽ giúp bạn: Hiểu rõ hơn về các hình thức lừa đảo phổ biến; Nhận diện dấu hiệu của lừa đảo và cách đối phó; Học cách bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò.
Thiếu tá Phí Văn Thanh.
Ngoài những việc trên, theo Thiếu tá Thanh, người dân cần cập nhật thông tin thường xuyên từ các nguồn tin đáng tin cậy. Bởi, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn mạng. Cùng với đó, người dân nên theo dõi các kênh thông tin như: Trang web của Bộ Công An, các tài khoản mạng xã hội của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tin tức từ các phương tiện truyền thông đại chúng về các vụ lừa đảo và cách phòng tránh.
Khi biết chính xác mình bị lừa đảo, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên, người dân cần lưu giữ tất cả các bằng chứng liên quan. Bao gồm: Tin nhắn và email giữa bạn và đối tượng. Hình ảnh hoặc video được gửi từ đối phương. Thông tin tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch mà bạn đã thực hiện. Những bằng chứng này sẽ rất hữu ích khi bạn báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng hoặc nền tảng hẹn hò.
“Một trong những điều quan trọng nhất là ngay lập tức ngừng liên lạc với kẻ lừa đảo. Dù bạn có muốn tìm hiểu thêm hay không, việc tiếp tục trò chuyện có thể dẫn đến việc bạn bị lừa thêm hoặc có thể bị đe dọa. Nếu bạn đã gửi tiền hoặc có dấu hiệu bị lừa đảo, hãy thông báo ngay với cơ quan chức năng như công an hoặc các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Họ có thể hỗ trợ bạn trong việc điều tra và có thể giúp bạn thu hồi một phần tiền nếu có thể”- Thiếu tá Thanh nói.