Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn ở mức thấp
Thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là khâu quan trọng nhằm khắc phục hậu quả vụ án, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng. Dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, tổng số tiền phải thi hành trong các vụ án tham nhũng trên 72.000 tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34.000 tỷ đồng; đã thu được trên 4.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, gần đây, VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,6 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thu tiền thi hành án từ nước ngoài.
Tuy nhiên, so với tổng số tiền phải thi hành trên 72.000 tỷ đồng thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn ở mức thấp, chưa được như mong muốn.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này có nhiều, có thể từ thể chế, hay do năng lực chỉ đạo, điều hành, yếu tố con người... trong đó không thể không kể đến nguyên nhân do các biện pháp để đảm bảo công tác thu hồi chưa kịp thời.
Đối với cơ quan thi hành án, chỉ khi có bản án thì mới tiến hành thu hồi tài sản. Thế nhưng, trong cả giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, nếu không có biện pháp đảm bảo thu hồi được tài sản thì sẽ rất khó xử lý. Hơn thế nữa, việc kê biên, định giá tài sản, thẩm định giá... là cả một câu chuyện phức tạp, trình tự thủ tục hiện nay cũng khá rắc rối, bất hợp lý nên thời gian bị kéo dài.
Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (Ảnh: thanhtra.com.vn)
Trao đổi trong Chương trình Đối thoại của VOV, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, thường trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, ở giai đoạn tiền điều tra như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã “đánh động” đến đương sự, chưa kể quá trình điều tra, trinh sát kéo dài, rất khó để bắt quả tang như các vụ án hình sự đâm chém hoặc cướp của…
“Quá trình điều tra dài nên đối tượng phạm tội hình dung được hậu quả đằng sau là gì. Mục đích của hoạt động tham nhũng chính là “ăn cắp” và ngay từ đầu, họ đã tính toán việc giấu diếm tài sản nếu bị phát hiện. Đây là loại án cực kỳ khó. Và cũng không phải lúc nào cũng kê biên ngay lập tức vì phải có căn cứ pháp lý. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, tài sản còn lại để thi hành án là rất thấp. Như vậy, ngoài nguyên nhân từ quá trình điều tra thì còn có nguyên nhân là khâu quản lý. Chúng ta chưa tạo được khung pháp lý để kiểm soát tài sản của công dân nói chung chứ không chỉ riêng cán bộ, công chức”.
Ông Phí Ngọc Tuyển nói như vậy và nhấn mạnh, phải làm sao quản lý được tài sản công dân như các nước đang áp dụng. Nếu một người mua một ngôi nhà với số tiền lớn thì phải giải trình nguồn tiền từ đâu thì mới được sở hữu nhà, hay muốn thành lập một doanh nghiệp với số vốn rất lớn cũng phải giải trình được số vốn đó có được do đâu…
Cũng đề cập vấn đề này, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, từ thực tiễn tố tụng và thi hành các bản án trong thời gian qua cho thấy, pháp luật về kê biên tài sản, bảo đảm thi hành án đang bộc lộ sự bất cập, khiến cho việc thu hồi tài sản của Nhà nước do người phạm tội gây ra gặp rất nhiều khó khăn, rất cần có giải pháp để khắc phục. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là các vụ đại án đạt rất thấp.
Dẫn lại Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đại biểu đoàn Trà Vinh cho biết, quy định có nghĩa, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can đều được miễn trừ trách nhiệm. Hay nói cách khác, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu.
“Đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng thời gian vàng giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có” – đại biểu cho biết.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). Ảnh: Quochoi.vn
Cũng theo đại biểu, thực tế thời gian qua, rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng ngàn tỉ bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không được thu hồi bởi tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình.
Sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp. Mặc dù theo quy định pháp luật, tài sản có nguồn gốc phạm tội dù đã chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác cũng bị kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên, để làm rõ nguồn gốc tài sản bất minh là chuyện không dễ.
Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội
Khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định "chỉ kê biên tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại". Quy định này là cần thiết, vì không những bảo đảm cho công tác thi hành án mà còn đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo không bị xâm phạm. Song, ở chiều ngược lại, quy định này lại làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền và việc sử dụng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi.
Để khắc phục những bất cập trên, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, cần phải xem xét, hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội, có nghĩa việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, không phải chờ đến khi khởi tố bị can, đến khi phiên tòa diễn ra mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử.
Không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế. Song song với việc hoàn thiện quy định trên của pháp luật, cần sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nội hàm cụm từ "chỉ kê biên phần tài sản tương ứng", quy định tại khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng dễ vận dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tố tụng tăng cường áp dụng kịp thời biện pháp ngăn chặn ngay từ giai đoạn điều tra.
Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế. Chỉ thị đã nêu rõ yêu cầu mang tính đột phá là phải xây dựng "cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội".
TS Đinh Văn Minh- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, TS Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư nhấn mạnh việc áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, tránh tẩu tán, chuyển dịch, hay hợp thức hóa tài sản tham nhũng. Trong đó có quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thể áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn khi một người nào đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi bản án hình sự có hiệu lực thì lúc đó các tài sản của bị cáo đã bị ngăn chặn, phong tỏa.
Không chỉ quản lý cán bộ mà còn phải quản lý dòng tiền, hạn chế tối đa các giao dịch tiền mặt, buộc phải thông qua tài khoản. Bởi thực tế, không có chuyện các đối tượng mang mấy chục triệu USD đi biếu nhau, mà chuyển khoản hoặc qua các giao lịch lớn. Do đó, những giao dịch này phải đặt dưới sự kiểm soát.
“Vừa quản lý con người, vừa quản lý các dòng tiền, quản lý các giao dịch và nhiều biện pháp khác thì mới bảo đảm tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn, những biểu hiện bất minh trong quá trình gia tăng tài sản một cách bất thường được cơ quan chức năng kiểm soát, từ đó làm rõ hành vi vi phạm, có căn cứ để xử lý về mặt con người cũng như về mặt tài sản” – ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh.
Tác giả: Đức Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy