Dòng sự kiện:
'Căn bệnh' lãng phí: Bài học từ hàng loạt dự án giao thông, đường sắt
28/07/2021 12:30:18
Xoay quanh câu chuyện lãng phí, không ít bài học nhãn tiền đã và đang hiện hữu, thế nhưng, vẫn có những dự án đầu tư công vô lý được đề xuất khiến dư luận vô cùng quan ngại…

Không chỉ là vấn đề đáng quan tâm của Đảng, Chính phủ và “nóng” nghị trường thời gian qua, câu chuyện lãng phí đã và đang hiện hữu trong thực tế bằng những dự án cụ thể được cho là bài học nhãn tiền. Ngay tại Thủ đô, không ít dự án cũng đã được “chỉ mặt đặt tên” vì đội vốn, thất thoát và đặc biệt không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Nhiều năm qua, dự án đường sắt đô thị khiến dư luận vô cùng quan ngại khi ròng rã hơn chục năm, thế nhưng, chưa thể đưa vào vận hành gây ra sự lãng phí, tốn kém cho ngân sách, chưa kể mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt vi phạm về công tác thẩm định, phê duyệt dự toán và nghiệm thu thanh toán các gói thầu không đúng quy định; xây dựng đơn giá sai lệch với thực tế; khối lượng thi công đưa vào dự toán và điều chỉnh trượt giá không đúng ở một số hạng mục công trình...

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bấy lâu nay khiến dư luận quan ngại về việc lãng phí, thất thoát khi kéo dài nhiều năm và đội vốn - Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) áp sai giá nhân công xây dựng với số tiền hơn 222 tỷ đồng, trong đó, phần cầu tăng gần 72 tỷ đồng, nhà ga trên cao tăng 101 tỷ đồng, khu depot tăng hơn 42 tỷ đồng, phần đường ray tăng 4,7 tỷ đồng và đường tránh Quốc lộ 6 tăng 1,7 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán nhà nước, trong trường hợp này Bộ GTVT phải áp dụng trả lương nhân công theo quyết định 3796/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về công bố giá nhân công thị trường trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn và Nghị định số 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng.

Bộ GTVT đã có những giải trình, tuy nhiên, trong văn bản mới nhất được Văn phòng Chính phủ phát đi hôm 26/6 đã khẳng định, vấn đề trên không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội giải quyết theo quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình này.

Không chỉ tồn tại ở dự án Cát Linh - Hà Đông, vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng có kết luận thanh tra về dự án hợp phần I xe buýt nhanh BRT, thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, gói thầu BRT CP04a, xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến đường Khuất Duy Tiến, gói thầu BRT CP4b, xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến – Bến xe Yên Nghĩa.

Tại các dự án này, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng, gây lãng phí ngân sách nhà nước số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận hàng loạt vi phạm tại dự án BRT gây ra tình trạng lãng phí - Ảnh minh họa

Về hiệu quả dự án, TTCP cũng cho rằng, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có, nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội, về kết quả vận tải hành khách đối với tuyến xe buýt nhanh BRT 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân chỉ đạt 39,9 người/lượt (so với công suất thiết kế là 90 người/lượt); lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7/90 người/lượt).

“Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của Hà Nội”, kết luận nêu rõ.

Bài học nhãn tiền là như vậy, thế nhưng, năm 2020, dư luận xã hội lại một lần nữa tỏ ra quan ngại khi Bộ GTVT lập dự án quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 8 tỉnh, thành phố có vốn đầu tư ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng với năng lực vận tải 10 triệu tấn/năm, chưa đến 10% lượng hàng hóa thông qua cảng.

Đánh giá về dự án đường sắt này, hầu hết các chuyên gia đều không tán thành và cho rằng đây là một sự lãng phí và chưa cần thiết.

Trong đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đặt vấn đề: Tại sao lại vừa muốn 58 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam lại vừa muốn 100.000 tỷ làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng? Tôi cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí vừa vô lý, không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước".

Các chuyên gia cũng cho rằng, trên thực tế, việc vận tải hàng hoá giữa Lào Cai và các tỉnh, thành phố trên suốt tuyến này cũng không nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy.

Thực tế “căn bệnh” lãng phí không chỉ tồn tại trong một nhóm ngành nhất định hay một số dự án như đã nêu mà còn dần trải trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Tác giả: Gia Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến