Dòng sự kiện:
Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục đạt thặng dư trong quý 3
11/10/2018 11:02:43
Theo báo cáo Kinh tế vĩ mô ngày 10/10 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kim ngạch xuất nhập khẩu quý 3/2018 tuy không bằng cùng kỳ năm ngoái vẫn cho thấy sự tăng trưởng tích cực.

Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư

Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 15,2% và 16,1% (yoy) so với cùng kỳ năm ngoái. quý 3 cũng đánh dấu quý thứ năm liên tiếp có thặng dư thương mại, đạt hơn 2 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư góp phần tạo ra nguồn cung ngoại tệ để cùng với chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giữ cho tỷ giá USD/VND không biến thiên quá mạnh trong quý 3. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 3 ước đạt 64,73 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu. Xuất khẩu từ khu vực này đạt 46,98 tỷ USD, chiếm 72,6% tổng kim ngạch và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu từ khu vực trong nước cũng có sự cải thiện khi tăng 11,5% (yoy).

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu quý 3 ước đạt 62,7 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 38,97 tỷ USD và khu vực trong nước là 23,32 tỷ USD. Điều này dẫn tới tình trạng xuất siêu 8,01 tỷ USD của khu vực vốn đầu tư nước ngoài và nhập siêu 5,32 tỷ USD của khu vực trong nước trong quý 3. Việc khu vực FDI tiếp tục là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, một khi có yếu tố bất lợi xảy ra khiến các doanh nghiệp FDI rút dần sản xuất khỏi Việt Nam để chuyển sang các nước khác có nhiều ưu đãi và điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì tăng trưởng thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung như hiện tại.

Xét theo mặt hàng xuất khẩu 9 tháng đầu năm, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực có mức tăng khá như: Điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6%; hàng dệt may đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 16,7%. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 4,6% do sản lượng khai thác giảm tới 45,2%. Đây là kết quả từ định hướng giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tài nguyên có sẵn của Chính phủ dù giá năng lượng thế giới đang tăng cao.

Nguồn: TCTK

Về cơ cấu hàng nhập khẩu 3 quý đầu năm, nhập khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng tư liệu sản xuất phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đạt 159,2 tỷ USD và chiếm 91,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 72,8 tỷ USD và tăng 4,6%. Theo đối tác thương mại 9 tháng đầu năm 2018, Mỹ vượt qua EU thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 34,9 tỷ USD (tăng mạnh 12,5%). Điều này có thể giống với tình trạng của Trung Quốc khi các bên xuất nhập khẩu đẩy mạnh giao thương trước khi hàng rào thuế quan mới của chính quyền Donald Trump đi vào hiệu lực.

Trong khi đó, về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 47,1 tỷ USD (tăng 12,4%). Hàn Quốc đã trở lại thay thế Trung Quốc thành đối tác tạo ra nhập siêu lớn nhất với Việt Nam. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và đông CNY liên tục mất giá, đã xuất hiện những lo ngại về việc hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, gây bất lợi cho cán cân thương mại. Nhập siêu với một nước có trình độ cao như Hàn Quốc có thể tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận các tiến bộ công nghệ mới, thay vì chỉ đón nhận làn sóng hàng tiêu dùng giá rẻ. Tuy nhiên, việc căng thẳng Mỹ- Trung có nguy cơ kéo dài nhiều năm khiến cho xu thế Trung Quốc quay trở lại thành đối tác nhập siêu lớn nhất là khó tránh khỏi nếu VND vẫn tăng giá so với CNY như hiện nay.

Cán cân ngân sách cải thiện so với cùng kỳ các năm trước

Tính tới thời điểm 15/98, tổng thu NSNN đạt 898,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa là 710,1 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 79% tổng thu. Một số khoản thu nội địa lớn bao gồm: thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh (139,7 nghìn tỷ đồng, đạt 64,1% dự toán năm), thu từ doanh nghiệp FDI (119,8 nghìn tỷ đồng, đạt 53,7% dự toán năm). Thu từ DNNN đã giảm tỷ trọng đáng kể so với năm 2017, giảm từ 17,5% xuống còn 11,1% tổng thu NSNN.

Trong khi đó, tổng chi NSNN ước đạt 936,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên bằng 651 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 69,5% tổng chi. Nguồn nội lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chiếm 20,6% tổng chi NSNN.

Số liệu cho thấy cán cân NSNN 9 tháng thâm hụt 38,3 nghìn tỷ đồng. Đây là diễn biến ngân sách tích cực khi thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2016:-154,2 nghìn tỷ đồng; 2017: -65,2 nghìn tỷ đồng), có thể tới từ những vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư công.

Nguồn: TCTK

Những biến động về thu – chi NSNN qua các tháng trong năm không nói lên gì nhiều về sự thay đổi tài khóa của Việt Nam khi những dữ liệu này chỉ là tạm tính và sẽ được điều chỉnh mạnh vào thời điểm cuối năm. Nhìn chung, cấu trúc NSNN chưa có cải thiện gì so với những năm trước khi chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo và nhu cầu chi tiêu vượt xa so với khả năng thu. Chúng tôi cho rằng nếu Chính phủ không thể kiềm hãm nhu cầu chi tiêu công của mình thì các biện pháp tăng thu thông qua việc đưa vào những sắc thuế mới hoặc tăng các sắc thuế cũ vẫn sẽ là những điểm tối đáng chú ý của tình trạng tài khóa trong thời gian tới.

Một vấn đề khác về ngân sách là dự toán cho chi đầu tư phát triển. Sau 9 tháng năm 2018, chi đầu tư phát triển chỉ đạt 48,2% dự toán năm. Con số này không chênh nhiều so với các năm trước. Câu hỏi đặt ra là: Nếu đã nhiều năm luôn không đạt chỉ tiêu đề ra, tại sao Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, không giảm dự toán năm cho chi đầu tư phát triển? Nếu không, liệu có yếu tố nào ngăn cản việc đạt được gần mục tiêu trong dự toán nhiều năm vậy không?

Tiêu dùng tăng ổn định, vốn đầu tư FDI giảm

Số liệu từ thị trường chứng khoán cho thấy tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng khá trong quý 3. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% (yoy) so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn so với cùng kỳ năm trước (10,5%). Đồng thời, tiêu dùng có sự cải thiện cả về lượng, với mức tăng 8,8% (yoy) khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn mức tăng 9,2% của năm ngoái. Giống như nhận định từ quý trước, điều này dường như phản ánh sự phục hồi tương đối mạnh của mặt bằng giá cả trong năm nay.

Nguồn: Tính toán từ số liệu TCTK

Trong các mặt hàng bán lẻ, các loại hàng hoá thiết yếu đạt mức tăng trưởng tốt như: Lương thực, thực phẩm (tăng 13%); may mặc (tăng 12,4%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 11,8%).

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 3 chứng kiến sự hồi phục nhẹ. Tổng vốn đầu tư thực hiện của toàn bộ nền kinh tế quý 3 ướ c đạt 505,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 16,6% của quý 3/2017. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tiếp tục có mức tăng trưởng đầu tư cao nhất, đạt 18,6% (yoy), cao hơn gấp đôi tăng trưởng của khu vực Nhà nước và gấp gần bốn lần khu vực FDI.

Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng vốn giải ngân đạt mức 4,88 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, lượng vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung giảm tương đối mạnh so với quý 3/2017. Cụ thể, vốn đăng ký mới chỉ đạt 2,32 tỷ USD (giảm 14,7%) và vốn đăng ký bổ sung đạt 1,11 tỷ USD (giảm 31,1%).

Trong tổng số 816 dự án cấp mới trong quý 3, có 279 dự án nằm ở ngành công nghiệp chế tác, với tổng vốn đăng ký đạt 3,41 tỷ USD. Quý 3 không có các dự án FDI lớn như trong Quý 1 và 2.

Xét theo đối tác đầu tư, Nhật Bản dẫn đầu trong 9 tháng đầu năm với tổng số vốn đăng ký đạt 7,09 tỷ USD và 318 dự án cấp mới. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc (5,69 tỷ USD), Singapore (3,67 tỷ USD) và Hồng Kong (1,55 tỷ USD). Tính lũy kế tới hết tháng Chín, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một về đầu tư FDI vào Việt Nam với 61,41 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản (55,78 tỷ USD).

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến