Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phát triển nhà ở xã hội là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp hoàn cảnh những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ, công nhân viên làm việc ở các đô thị nhưng không đủ tiền để mua nhà thương mại. Theo đó, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có các quy định về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị tham gia đầu tư nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu và trên thực tế chưa giải quyết được nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội. Có nhiều khó khăn, hạn chế, dẫn tới thực trạng nêu trên, trong đó, nguyên nhân được nhắc nhiều nhất là do cơ chế, chính sách hiện nay chưa đủ mạnh, chưa phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội...
Bàn về nhà ở xã hội, tại Hội nghị "Góp ý sửa đổi dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản", ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng kiến nghị, nên gọi chung là nhà ở xã hội, không nên phân biệt là nhà ở công nhân.
Hiện trên thực tế, các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, thế nhưng đến khi chào bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng, từ địa phương tới trung ương, nhưng tới nay chưa được giải quyết.
Ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng.
Ông Toản cũng chỉ ra vấn đề khó khăn khi doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chính là thủ tục bán nhà. Theo quy định, doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại thì mới được ký hợp đồng mua bán. Điều này làm mất rất nhiều thời gian, không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà, về phía người dân cũng rất lâu mới được nhận nhà.
“Tôi được biết là đang có khoảng 1.800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ xong. Doanh nghiệp sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong. Tôi đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm”, ông Toàn nói.
Ông kiến nghị, cần có chủ trương cụ thể để quy trình phê duyệt nhà ở xã hội được đẩy nhanh, vì thực tế có những trường hợp nhiều năm không xong, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi nhiều người có nhu cầu tìm chỗ ở thì vẫn không mua được nhà.
Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội là nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20% để cho thuê. Theo ông Toản đây là phương án là bất hợp lý, quá lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp.
Đồng thời, việc doanh nghiệp phải làm thủ tục để xin được miễn thuế đất xây nhà ở xã hội cũng gây mất nhiều thời gian, ông Toàn dẫn chứng có những hồ sơ gửi đến 2 năm cũng chưa nhận được phản hồi. Vì vậy đại diện Tập đoàn Lan Hưng đưa ra kiến nghị nên trực tiếp miễn tiền tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, bỏ quy định phải làm hàng loạt thủ tục hành chính.
Ngoài ra, một vấn đề cần được đặc biệt chú trọng chính là quy định bỏ 20% quỹ đất cho nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Ông Vương Quốc Toản chia sẻ quan điểm có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án; nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án.
Toàn cảnh Hội nghị "Góp ý sửa đổi dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản".
Về vấn đề này, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty CP tư vấn dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân – công ty được mệnh danh là “ông trùm” nhà ở xã hội kiến nghị, nên bỏ quy định nếu công nhân muốn mua nhà thì phải thường trú ở đó 1 năm mới được mua. Một nhà máy phải mở ra thì công nhân họ mới về. Họ đã đăng ký lưu trú thì có quyền thuê, mua mà không cần phải đợi tới một năm.
Đồng thời, nên khuyến khích các chủ đầu tư được đưa vào giá thành khu công nghiệp. Giả sử tòa nhà đó 50 tỷ thì họ được quyền đưa vào hết. Công nhân gần như được miễn phí hoặc ở với chi phí rẻ, nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm.
“Nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm được. Tôi nghĩ cần có chính sách đặc biệt hơn để chủ đầu tư bỏ tiền vốn đầu tư và được bỏ 100% vào”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng thời Chủ tịch của Địa ốc Hoàng Quân cũng cho rằng quy hoạch của địa phương cũng cần được rõ ràng hơn, từ đó đảm bảo đất xây nhà ở xã hội 100% là đất sạch.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy