Dòng sự kiện:
Cần làm rõ việc giao đất cho cơ sở tôn giáo hay để doanh nghiệp làm chùa?
25/08/2019 07:37:16
Trước vụ việc cấp đất xây chùa Bái đính, Tam Chúc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn, việc giao hàng trăm héc-ta đất cho doanh nghiệp nếu có chuyện không thu tiền thì giao làm gì? Ai là người được hưởng lợi ở đất đó?

Trong trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn héc-ta đất tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… để doanh nghiệp xây chùa, văn bản mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất đã có nhiều sai sót.

Cụ thể, liên quan đến việc giao đất để xây dựng chùa Bái Đính tại tỉnh Ninh Bình, Bộ TN&MT nếu rõ, việc giao đất này chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Cảnh quan chùa Bái Đính. (Ảnh minh họa)

Trường hợp tỉnh Hà Nam giao đất cho doanh nghiệp xây dựng khu du lịch Tam Chúc, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng chỉ ra, các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc”. Đồng thời, quyết định giao không thể hiện loại đất cụ thể, chưa xác định mục đích sử dụng đất dẫn tới thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.

Kết luận của Bộ TN&MT đã chỉ ra những sai phạm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao đất. Vậy, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vụ việc nói trên được xác định như thế nào?

Xung quanh vụ việc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyên Quốc hội (thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

PV: Liên quan đến vụ việc giao đất để xây dựng chùa mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã khẳng định, việc nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên... giao và cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng khu tâm linh có nhiều sai sót. Ông bình luận như thế nào về vụ việc này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết phải khẳng định, đất đai là tài nguyên quốc gia. Tất cả các vấn đề liên quan tới việc xây dựng đền, chùa đều nằm trong chiến lược, quy hoạch về mặt du lịch.

Vấn đề đặt ra là việc sử dụng tài nguyên mang lại lợi ích cho đất nước và nhân dân như thế nào.

Tôi băn khoăn, việc giao hàng trăm héc-ta đất cho doanh nghiệp nếu có chuyện không thu tiền thì giao làm gì? Ai là người được hưởng lợi ở đất đó? Thử hỏi dân và Nhà nước có được lợi không?

Trên mạng đầy rẫy việc người đi du lịch tâm linh đều phải trả tiền, trả phí rất vô lý. Như vậy là có vấn đề kinh doanh, bởi không thể bỗng dưng anh có được nguồn thu đó.

Anh có nguồn thu đó phải dựa trên nền tảng đất đai của Nhà nước mới làm được. Bản chất ở đây là anh (giao đất) nhưng chưa mang lại lợi ích cho Nhà nước. Rõ ràng, anh (tư nhân) đã sử dụng tài nguyên của Nhà nước để kinh doanh hoạt động thì dứt khoát phải trả tiền.

Còn theo quan điểm của tôi, chùa đó (chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc) không phải là chùa của Hội Phật giáo. Ai nói đó là chùa của Hội Phật giáo là không đúng. Rõ ràng, chùa đó do doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Thử đặt lại câu hỏi, doanh nghiệp lấy đâu tiền để xây chùa? Hay họ vay ngân hàng? Nếu vay ngân hàng thì 85% tiền vay ngân hàng là tiền của người dân. Vậy nếu vay ngân hàng, ông lấy tiền đâu trả lãi ngân hàng? Rõ ràng, nếu hiểu theo nghĩa này thì đây là hình thức kinh doanh tâm linh có thu tiền và làm lợi.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

PV: Theo Bộ TN&MT, việc giao đất không rõ nội dung như: Chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng, không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất)... Rõ ràng việc này đang khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu một số tiền lớn như một số ý kiến lo ngại, thưa ông?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đồng tình với quan điểm trên. Nhưng phải làm rõ, trong toàn bộ khu vực đó, chỗ đất nào là thu tiền, chỗ đất nào không thu tiền. Nếu là giao đất thì phải khai thác có hiệu quả bởi đất đai là công thổ tài nguyên của quốc gia chứ không thể thích thì nói đó là đất của ông hay của công.

Ở đây phải phân biệt rõ các khái niệm, giao đất cho cơ sở tôn giáo và giao đất cho doanh nghiệp đi xây chùa. Như vậy, cần làm rõ pháp lý việc giao đất ở đây là giao cho chùa (cơ sở tôn giáo) hay giao đất cho doanh nghiệp làm chùa?

Tôi hoan nghênh quan điểm của Bộ TN&MT trong việc xác định bản chất vấn đề giao đất. Tôi chỉ bổ sung thêm là, cần làm rõ, đất nào là đất giao cho tôn giáo trên cơ sở pháp luật? Đất nào là đất giao cho doanh nghiệp để kinh doanh sinh thái có yếu tố tâm linh? Không được trộn lẫn hai khái niệm trên. Đừng tư hữu hóa chùa chiền núp bóng “vỏ bọc” tôn giáo để thu tiền.

PV: Theo ông, Thanh tra Chính phủ có nên vào cuộc để làm rõ việc giao đất này, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan tới việc giao đất nhưng có sai sót nói trên?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Nếu Bộ TN&MT làm tốt rồi thì không cần thiết đến Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Nếu còn những điểm chưa rõ ràng trong nội dung trả lời của Bộ TN&MT thì nên tính đến chuyện đó.

Nếu vi phạm giao đất thì phải xem xét trách nhiệm. Nhưng vấn đề ở đây không chỉ riêng Tam Chúc hay Bái Đính mà phải xem xét vấn đề giao đất ở tất cả các dự án liên quan tới cơ sở tôn giáo, du lịch, tránh gây hoài nghi của dư luận.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Reatimes

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến