Dòng sự kiện:
Cần một hành lang pháp lý thông thoáng và linh hoạt
14/08/2019 18:04:08
Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam kiến nghị NHNN trình Quốc hội cho sửa đổi quy định về vấn đề này của Luật Các TCTD để sát với thực tiễn hoạt động của các QTDND...

Tăng tính liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn cho các QTDND

Theo Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam và các QTDND Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về cấp Giấy phép, tổ chức hoạt động và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD là hợp tác xã (viết tắt là Dự thảo Thông tư) về cơ bản đạt được mục tiêu đặt ra tại Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là tăng được tính liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn cho các QTDND từ phía NHHTX, nhất là cho vay hỗ trợ các QTDND khi gặp sự cố rút tiền ồ ạt đã tạo điều kiện để NHHTX có thể hỗ trợ tốt các thành viên của mình. Tuy nhiên vẫn còn một số quy định chưa hợp lý trong phần sửa đổi.

Cần thời gian chuyển tiếp thực hiện

Một trong những nội dung sửa đổi trong Thông tư 04/2015/TT-NHNN đáng chú ý nhất là dự thảo sửa đổi đã phân loại tiêu chuẩn, điều kiện theo quy mô hoạt động QTDND, nâng cao trách nhiệm, tiêu chuẩn… đối với bộ máy lãnh đạo của QTDND để đảm bảo khả năng quản trị, điều hành phù hợp với quy mô phát triển với 2 mức: tổng tài sản dưới 200 tỷ đồng và tổng tài sản từ 200 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng. Với mỗi quy mô cũng có những quy định cụ thể cho từng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát từ kinh nghiệm điều hành đến bằng cấp, chứng chỉ  chuyên môn.

Như thành viên HĐQT QTDND quy mô dưới 200 tỷ đồng phải có bằng cao đẳng và có văn bằng (hoặc chứng chỉ) chứng minh đã được đào tạo nghiệp vụ QTDND theo Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND của Ngân hàng Nhà nước hoặc có bằng đại học trở lên. Đối với QTDND có tổng tài sản từ 200 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng phải có bằng đại học trở lên...

Tuy nhiên, theo Hiệp hội các TCTD điều bổ sung, sửa đổi  này tại Dự thảo Thông tư quản lý theo quy mô, thực sự chưa có sự khác biệt đáng kể về mặt quy mô và chưa rõ cơ chế quản lý gắn với mô hình hợp tác xã, chưa sát thực tế và chưa tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của QTDND, cũng như khuyến khích thu hút thành viên. Các tiêu chí chủ yếu tập trung vào quy định cứng về tiêu chuẩn bằng cấp theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, quy định chung đối với các TCTD, thiếu các quy định về kỹ năng mềm.

Chẳng hạn, những quỹ có quy mô tài sản từ 500 tỷ đồng trở lên, yêu cầu về trình độ đối với lãnh đạo quản lý và cán bộ phải ở mức cao hơn các quỹ có quy mô hoạt động nhỏ, tương đương với các NHTM; Phải thực hiện cơ chế tuyển dụng và đào tạo lại một cách chặt chẽ; phải có hệ thống corebanking để quản lý dòng vốn chặt chẽ và có những quy định giám sát chặt chẽ hơn... Đối với tiêu chuẩn về trình độ đại học là phù hợp với quy định của Luật TCTD sửa đổi bổ sung Luật TCTD 2010  cũng cần có lộ trình thực hiện phù hợp với thời gian để họ có thể chuyển đổi, học nâng cấp trình độ lên đại học.

Kéo chính sách sát thực tế

Một vấn đề sửa đổi khác khiến các QTDND lo lắng không có ý nghĩa nâng cao năng lực quản trị điều hành, giảm rủi ro đạo đức mà có thể sẽ gây bất ổn, khi mà một bộ máy quản lý bị thay đổi toàn bộ, không có người kế thừa, làm hoang mang, ảnh hưởng đến lòng tin của thành viên đối với QTDND, bởi họ là những người ít quan tâm đến các quy định của pháp luật là quy định “Chủ tịch, thành viên HĐQT, trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp”…

Bởi các QTDND là một TCTD có quy mô hoạt động nhỏ với số lượng người lao động không lớn, đặc biệt là các quỹ đóng trên địa bàn vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn thì việc lựa chọn nhân sự để bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi về thành viên HĐQT trong các nhiệm kỳ là khó khăn, không khả thi.

Hơn nữa, vừa qua NHNN đã và đang thực hiện tái cơ cấu, nhiều QTDND đã lựa chọn các cán bộ trẻ có năng lực, sau 2 nhiệm kỳ họ tiếp tục giữ được uy tín, đạo đức nghề nghiệp và năng lực nghiệp vụ, quản trị điều hành được nâng lên… lại không được tiếp tục làm lãnh đạo nữa thì thật không hợp lý và giải pháp nào để bố trí công việc cho họ tại quỹ. Đồng thời quy định như vậy sẽ không tạo động lực để lãnh đạo trẻ tham gia quản lý QTDND. Để đối phó với quy định này, không loại trừ một số QTDND sẽ thành lập HĐQT danh nghĩa, mang tính chất hình thức. Điều này sẽ gây nhiều hệ lụy về sau.

Quy định “QTDND cho vay hợp vốn cùng ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam khoản cho vay từ 500 triệu đồng trở lên” tại dự thảo cũng được xem là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 và 6 Điều 128 “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có… người có liên quan không vượt quá 25%...” và Điều 3 Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Hơn thế xét về tính thực tiễn hiện các món vay 500 triệu đồng tại các QTDND hiện nay không ít.

Tại nhiều quỹ, món vay quy mô này chiếm trên 50%. Hệ thống có đến 1.183 QTDND tại 57 tỉnh, thành phố, trong khi đó NHHTX hiện nay chỉ có 32 chi nhánh tại 31 tỉnh, thành phố. Ngay cả những tỉnh có NHHTX, địa bàn hoạt động của các QTDND cũng rất xa NHHTX. Điều này gây khó khăn cho các QTDND thực hiện cho vay hợp vốn. Vì vậy, Hiệp hội và các QTDND đề nghị bỏ quy định này hoặc sửa thành: “Khi có nhu cầu các QTDND thành viên thực hiện cho vay hợp vốn với NHHTX theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cấp tín dụng”.

Một quy định khác cũng gây khó khăn cho hoạt động các QTDND đó là việc kết nạp thành viên và cho ra thành viên phải thông qua Đại hội thành viên theo, Luật Các TCTD 2010 đã quy định. Quy định này phù hợp với các TCTD là NHTM nhưng không phù hợp với QTDND vì bản chất của thành viên quỹ không chỉ là góp vốn, tham gia quản trị mà quan trọng hơn họ chính là đối tượng khách hàng của QTDND vay và người gửi tiền. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, nếu người dân địa phương có nhu cầu gia nhập thành viên của QTDND để vay vốn hoặc gửi tiền mà phải chờ Đại hội thì sẽ mất cơ hội.

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị NHNN trình Quốc hội cho sửa đổi quy định về vấn đề này của Luật Các TCTD để sát với thực tiễn hoạt động của các QTDND, tạo điều kiện thuận lợi để các QTDND phát triển tốt trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến