Dòng sự kiện:
Cân nhắc đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%
24/06/2024 16:42:13
Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đã đưa phân bón thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), với mức thuế 5%, trong khi luật hiện hành đang là đối tượng không chịu thuế.

Chiều 24/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Trong đó, đáng chú ý là sản phẩm phân bón được đưa vào chịu thuế, theo đề xuất của Chính phủ, mức áp thuế VAT cho phân bón là 5%, thay vì 0% như luật hiện hành. 

Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân và xã hội. Bên lề hành lang Quốc hội sáng ngày 24/6, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đại biểu hoan nghênh Chính phủ đã đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế giá tăng vào thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này và những đối tượng liên quan.

Đại biểu Phan Đức Hiếu phân tích, trước đây, phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT, như vậy, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải "gánh thêm" chi phí đầu vào, do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước có phần kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Hiện nay, Quốc hội đề xuất đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào để sản xuất mặt hàng phân bón, vì sẽ được khấu trừ hoàn thuế VAT đối chi phí đầu vào cho sản xuất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm giá đầu ra sản phẩm bán cho người tiêu thụ. 

Chính phủ đang đề xuất phân bón thuộc diện chịu thuế 5%. Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu so sánh, cả 2 kịch bản 0% (không áp dụng thuế VAT) và kịch bản thu thuế VAT 5% đều mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, do tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất phân bón tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thị trường phân bón còn có lợi ích của nhà nhập khẩu, lợi ích của Nhà nước. Với kịch bản thuế 5%, đối với nhà nhập khẩu không sản xuất trong nước sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh.

Kịch bản 0% có lợi chung cho nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, nhưng lợi ích của Nhà nước bị ảnh hưởng do hoàn thuế đối với chi phí sản xuất đầu vào.

“So sánh tổng thể 2 phương án, kịch bản thuế 5% là tốt nhất, có lợi ích hài hòa cho tất cả các bên: Doanh nghiệp sản xuất - Nhà nước- người tiêu dùng. Ngoài ra,  còn thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Điểm yếu của kịch bản này không có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đối với sản phẩm nhập khẩu”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho hay.

Đại biểu Phan Đức Hiếu mong muốn Chính phủ tiếp tục tính toán kỹ lưỡng lợi ích chi phí của hai phương án, để Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu. 

Về nội dung này, trước đó, ở phiên thảo luận tổ, không ít ý kiến đại biểu lo ngại nếu tăng thuế VAT với phân bón. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, nếu tăng thuế VAT lên 5% đối với phân bón nhập khẩu vào, giá bán sẽ cao hơn mức hiện nay, điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu, nhưng nhà nông phải chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, bất lợi cho sản xuất.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tăng thuế đầu vào đối với sản xuất nông nghiệp như đề xuất sẽ khiến tăng giá vật tư, máy móc, thiết bị, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thực tế, người dân mua các sản phẩm vật tư, máy móc hoàn toàn theo giá thị trường, không có chuyện doanh nghiệp giảm giá thành, bán giá thấp. Thậm chí, giá trong nước thấp, doanh nghiệp sẵn sàng xuất khẩu ra nước ngoài để tối đa lợi nhuận.

Trước ý kiến đại biểu liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế phân bón đã trải qua nhiều thời kỳ. Trước đây, khi quy định áp thuế VAT đối với phân bón, nhiều đại biểu đã nhận định, áp thuế sẽ nâng giá phân bón lên, nên sau đó đã bỏ thuế này với phân bón. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu thống nhất việc quyết định làm thế nào bảo đảm được lợi ích của đất nước và bảo đảm được nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tác giả: Thu Trang

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến