Dòng sự kiện:
Cần phải tiếp tục mở rộng quy mô thị trường vốn
22/09/2018 17:02:36
Theo ông Vũ Bằng, tái cấu trúc thị trường vốn phải trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế và tài chính quốc gia, đồng thời phải mở rộng quy mô thị trường vốn trong thời gian tới.

Mặc dù phiên thảo luận thứ 4 của Diễn đàn Tài chính 2018 diễn ra khá muộn vào cuối chiều ngày 20/9, nhưng vẫn thu hút sự tham gia của các diễn giả với nhiều tham luận chất lượng.

Với lối điều hành nhịp nhàng, khoa học và dẫn dắt theo từng vấn đề, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã kết nối được các ý kiến, đóng góp hiệu quả vào chủ đề “Tái cấu trúc thị trường tài chính hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững”.

Tỷ lệ vốn hoá vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020

Tham luận tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/7/2018, giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã đạt gần 100% GDP. Trong đó, thị trường cổ phiếu đạt mức gần 80% GDP, vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến 2020 (là 70%); thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) có quy mô niêm yết đạt 21,2% GDP.

Tính từ đầu năm 2000 đến tháng 6/2018, TTCK đã giúp doanh nghiệp và Chính phủ huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó: Chính phủ đã huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng; doanh nghiệp đã huy động được 551 nghìn tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu, trái phiếu (riêng 6 tháng đầu năm 2018 huy động vốn qua TTCK đạt 11.000 tỷ đồng).

“TTCK bắt đầu song hành với thị trường tín dụng ngân hàng, bổ sung hỗ trợ hiệu quả cho nhau để giải quyết bài toán về nguồn vốn tổng thể cho tăng trưởng kinh tế, trong đó thị trường tín dụng tập trung vào nhu cầu vốn ngắn và trung hạn, TTCK tập trung xử lý nhu cầu vốn trung và dài hạn”, ông Phạm Hồng Sơn nói.

Với tỷ lệ vốn hoá đạt gần 80% GDP, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng: “Đây là sự phát triển nhanh và vượt bậc”. Ngoài quy mô vốn, nhiều doanh nghiệp lớn mang tính tiêu biểu của nền kinh tế, năng lực quản trị của các doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt.

Hiện chúng ta đã đưa nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn. Cùng với đó, số lượng các nhà đầu tư là các tổ chức, các quỹ đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam đã tăng cao, chính vì thế, TTCK phát triển nhanh và bền vững.

Phát triển mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Với 7 mục tiêu liên quan đến tăng trưởng nhanh, bền vững, câu hỏi đặt ra là chúng ta có cần điều chỉnh mục tiêu, hay có giải pháp lộ trình nào để hướng tới mục tiêu nêu trên dựa trên nền tảng thị trường vốn lành mạnh.

Là người nhiều năm gắn bó với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ông Vũ Bằng cho biết, trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế của chúng ta gặp nhiều thách thức và đây cũng là những thách thức đặt ra toàn cầu. Đó là việc Ngân hàng Trung ương Mỹ điều chỉnh lãi suất gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất và dịch chuyển vốn của toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại tác động đến chuỗi cung ứng và tình trạng nợ công, biến động tỷ giá, thị trường vốn của một số nước có thể tác động tới Việt Nam.

“Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện thể chế tài chính, thị trường vốn, trong đó có xử lý nợ xấu, kiểm soát nợ công, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động…  tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là phát triển nhanh nhưng phải bền vững trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay. Bên cạnh đó, độ mở nền kinhh tế lớn, trong khi sức chống chịu của nền kinh tế còn nhiều khó khăn… Song đây cũng chính là những thách thức được Chính phủ nhìn nhận và quyết tâm cải cách”, ông Vũ Bằng cho hay. Ông nhấn mạnh, năm 2019 chắc sẽ có điều chỉnh về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để chúng ta có bước đi rõ hơn.

Đối với TTCK, theo ông Vũ Bằng, phương châm chung là phải kết hợp phát triển giữa chiều rộng và chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững; phải tôn trọng các quy luật thị trường, các nguyên tắc thị trường. “Các biện pháp hành chính sẽ bóp nghẹt thị trường và ảnh hưởng tới việc khơi thông dòng vốn. Do đó, các cơ quan quản lý phải lưu ý để khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nếu không sẽ chậm chân và rơi vào bẫy nghèo”, ông Vũ Bằng cảnh báo.

Trong đó, theo ông Vũ Bằng, tái cấu trúc thị trường vốn phải trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế và tài chính; phải mở rộng quy mô thị trường vốn; cần mạnh dạn giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã cổ phần hoá; mở rộng hơn nữa thị trường cổ phiếu…

Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, cần tiếp tục tái cấu trúc sâu và đồng bộ hơn nữa thị trường tài chính, giảm bớt can thiệp hành chính của các cơ quan liên quan, giảm gánh nặng cho ngân hàng để TTCK phát triển.

Bà Nguyễn Thị Mùi cũng đồng ý với một số ý kiến phát biểu trước đó khi cho rằng, tiền nhàn rỗi trong dân vẫn còn nhiều, do đó, cần điều tiết cung cầu tạo niềm tin cho dân để huy động tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi; nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các tổ chức tham gia thị trường; coi áp dụng quản trị doanh nghiệp theo thị trường là vấn đề tự thân để quản trị minh bạch, hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính quyết tâm phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu chính phủ. TTCK đã phát triển mạnh mẽ, đạt đích sớm hơn đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thay bằng việc phụ thuộc vào các ngân hàng như hiện nay, vừa gây hệ lụy lớn, nợ xấu ngân hàng tăng cao, gây bất ổn do dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. “Tuy nhiên có yếu tố lịch sử, hệ thống ngân hàng phát triển 70 năm, nhưng thị trường vốn mới hình thành từ năm 2000. Có sự không công bằng giữa tín dụng và thị trường vốn, bởi cho vay vốn của ngân hàng thủ tục đơn giản, còn vay vốn qua trái phiếu doanh nghiệp phải công bố thông tin, công khai, minh bạch…”, ông Nguyễn Hoàng Dương nói.

Theo vị đại diện đến từ Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, thời gian tới sẽ xây dựng thông tin về trái phiếu doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin chứng khoán, doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin về phát hành, về đầu tư, là bước tiến mới để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp hoạt động và giảm thiểu rủi ro.

Theo Thời báo tài chính VN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến