Dòng sự kiện:
Cạn room, ngân hàng cần thay đổi khẩu vị tín dụng để đảm bảo lợi nhuận
28/06/2022 11:00:58
Mới đây, nhiều ngân hàng đã được nới thêm room tăng trưởng tín dụng. Với những ngân hàng cạn room mà không được nới, theo giới chuyên gia, cần thay đổi khẩu vị tín dụng để đảm bảo lợi nhuận.

 

Đóng góp chính vào lợi nhuận ngân hàng vẫn là tín dụng.

Dư nợ tăng mạnh, ngân hàng lãi cao

Theo tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán, dư nợ tín dụng đến thời điểm hiện tại tăng gần 8% so với cuối năm 2018 và gần 14% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự ổn định và sát với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra từ đầu năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, dư nợ cho vay những tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, công nghiệp xây dựng tăng xấp xỉ 8%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,7%, đầu tư vào xuất nhập khẩu tăng hơn 10%, nông nghiệp - nông thôn là 6%, cho vay phục vụ đời sống khoảng 14%, lĩnh vực BOT không tăng dư nợ…

Thông tin từ Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MB, ACB, TPBank, Techcombank và MSB cho thấy, các ngân hàng này đều có mức tăng trưởng tín dụng khá cao trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, Vietcombank cho vay đạt 9% trên hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) được cấp là 15%; OCB tăng 18% trên hạn mức 20%; VIB tăng 21% trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 35%; ACB đạt 9% trên 13%.

Tương tự, dư nợ cho vay của MB tăng hơn 10% trên 13%; Techcombank tăng trưởng 16%; HDBank đạt 15,3% trên 24%; TPBank đạt 13%, “kịch trần” tăng trưởng được giao.

Về lợi nhuận, Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống với 11.303 tỷ đồng lãi trước thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng 40,7% so với cùng kỳ 2018 và đạt 55% kế hoạch năm. Tiếp theo, Techcombank đạt 5.662 tỷ đồng, tăng 9,7% và hoàn thành 48% kế hoạch năm; MB đạt 4.875 tỷ đồng; VPBank đạt 4.343 tỷ đồng; ACB đạt 3.622 tỷ đồng; HDBank đạt 2.211 tỷ đồng; VIB đạt 1.820 tỷ đồng và TPBank đạt 1.620 tỷ đồng. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng Top đầu này đạt hơn 45.500 tỷ đồng, tăng hơn 6.500 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.

“Ðóng góp chính vào lợi nhuận vẫn là tín dụng. Các ngân hàng muốn nới room tín dụng vì mục tiêu lợi nhuận, muốn tăng chỉ tiêu khi không thỏa mãn được ‘cơn khát’ về room”, một lãnh đạo cao cấp NHNN nói.

Cạn room tín dụng, theo thường lệ, các ngân hàng sẽ xin cơ quan quản lý để được tăng thêm. Ðược biết, VPBank đã được nâng lên 16% thay vì 12% như kế hoạch ban đầu; ACB, Techcombank, MB cũng tăng thêm mức 4%, từ 13% lên 17%.

Vietcombank hiện tại chưa xin nới room, nhưng đến cuối năm diễn biến kinh tế vĩ mô tiêp tục tích cực và nếu có thể được, Vietcombank sẽ xin điều chỉnh sau. Một lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: “Có khoảng 40 tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu nới room tín dụng và 2/3 trong đó đã nhận được câu trả lời”.

Tất nhiên, không phải ngân hàng nào cũng được chấp thuận. Trước câu hỏi, cơ sở nào để nới room tín dụng, vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, cơ quan quản lý sẽ cân đối trên cơ sở nhu cầu của thị trường và của chính ngân hàng đó để quyết định việc cấp thêm room tín dụng. Ngân hàng cho vay lĩnh vực rủi ro nhiều hay nợ xấu cao sẽ không được nới và ngược lại với các ngân hàng rót vốn vào những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

“Xét trên cơ sở số liệu của toàn hệ thống, dư nợ tín dụng các ngân hàng hiện vẫn đang ‘chạy’ ổn định theo mục tiêu của NHNN và những đề xuất đều được trả lời. Ngân hàng đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng, phân bổ tín dụng theo đúng quy định của NHNN vào những ngành sản xuất, hạn chế vào các ngành rủi ro, đồng thời giữ ổn định lãi suất huy động, thanh khoản tốt… sẽ được nới room tín dụng”, vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ thêm.

Thay đổi khẩu vị tín dụng để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thừa nhận: “Thực tế các năm trước đã cho thấy, nới room tăng trưởng tín dụng cũng khiến tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng, khiến cuộc đua tăng lãi suất huy động từ dân cư vô tình được đẩy lên khó kiểm soát. Ở góc độ cơ quan quản lý, với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất cho vay…, việc nới room tín dụng là vấn đề phải rất cân nhắc”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, trong ngắn hạn, ngân hàng nào đang có sức sinh lời tốt thì vẫn tiếp tục sinh lời tốt, thậm chí có thể tăng lợi nhuận trong điều kiện không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng.

Trong trường hợp hết room mà không được nới, ngân hàng sẽ phải thay đổi khẩu vị tín dụng, tập trung nhiều vào chất lượng thay vì số lượng thông qua việc cơ cấu lại danh mục cho vay, ưu tiên các phân khúc khách hàng có hiệu suất sinh lời tốt hơn, song song với đó là tập trung thu hồi nợ, giữ lại những món nợ tốt, chấm dứt hợp đồng tín dụng sinh lời thấp để bù đắp phần lợi nhuận bị thiếu hụt…

“Thực tế, cấu trúc lợi nhuận của từng ngân hàng khác nhau do đến từ nhiều hoạt động khác nhau, bởi ngoài cho vay, các ngân hàng còn phát triển những dịch vụ khác như thanh toán, bảo hiểm, thẻ tín dụng…”, TS. Hiếu nói.

Vị tổng giám đốc ngân hàng trên cũng cho biết, các năm gần đây, cơ quan quản lý đã thể hiện rõ quan điểm không dễ dàng nới room tín dụng như nhiều năm trước. Theo đó, phần lớn các TCTD đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm phù hợp với tình hình thực tế để không phải điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng, nên khi hoạt động này bị hạn chế đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ càng vẫn có thể có lợi nhuận từ chất lượng tài sản tốt, tín dụng tốt, quản lý chi phí hoạt động tốt… Ðặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục ổn định trong thời gian tới là “bệ đỡ” cho các ngân hàng.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách lãi suất kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Lãi suất thực vẫn dương, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu có xu hướng giảm trở lại. Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam hội tụ đủ những điều kiện để tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới.

Kết quả điều tra của Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) cho biết, 85,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý III/2019 (cao hơn tỷ lệ 80,6% của cuộc điều tra tháng 3/2019) và 88,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018 (tương tự kết quả của cuộc điều tra tháng 3/2019), trong đó 20-27,4% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Tác giả: Nhuệ Mẫn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến