Dòng sự kiện:
Cạn tài sản thế chấp, doanh nghiệp mong được giảm lãi suất khoản vay cũ
06/04/2024 13:12:35
Lãi suất giảm, song nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng, do cạn tài sản để thế chấp. Trước bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp mong được giảm lãi suất khoản vay cũ.

Khó vay mới, doanh nghiệp mong được giảm lãi khoản vay cũ

Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM) ông Nguyễn Đình Tuệ cho biết, năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.

Theo ông Tuệ, trong 2 tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, như ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng đã hạ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, theo ông Tuệ, qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp được biết, họ vẫn khó tiếp cận vốn, trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tuệ chỉ ra lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các doanh nghiệp có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém.

Doanh nghiệp cần vốn, thiếu tài sản thế chấp, nhưng ngân hàng khó hạ chuẩn cho vay

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Do đó, để khắc phục tình hình này, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đề xuất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

"Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài thay vì kết thúc vào 30/6 tới", ông Tuệ nói.

Còn về phía ngân hàng, ông Tuệ cũng đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chống tiêu cực trong bộ máy, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.Về phía người vay vốn, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cũng có báo cáo gửi UBND TP. HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02 năm 2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay, song tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, theo khảo sát của HUBA, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng. Vì vậy, HUBA kiến nghị, ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, ngân hàng có chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ.

Có nghĩa, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua.

Đồng thời, HUBA kiến nghị chính quyền TP.HCM xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.

Không thể hạ chuẩn, đẩy mạnh tín dụng ồ ạt

Tuy nhiên, với bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, sử dụng đồng vốn huy động để cho vay nên không thể cho vay ra bằng mọi giá, nhất là trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay, các nhà băng càng nâng cao quản trọ rủi ro, kiểm soát nợ xấu. Phó thống đốc thường trực NHNN ông Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh rằng, ngân hàng cũng mong muốn đẩy mạnh hoạt động cho vay, tăng trưởng dư nợ, nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng, ngược lại còn phải tăng cường kiểm soát rủi ro.

Theo ông Đào Minh Tú, các chương trình ưu tiên ưu đãi lãi suất hiện nay rất nhiều, bản thân NHNN và các ngân hàng thương mại cũng đã ra các gói tín dụng ưu đãi vừa để khuyến khích, vừa tạo động lực cũng như tập trung các lĩnh vực ưu tiên.

Gói 120.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói 30.000 cho thủy hải sản, lâm nghiệp…Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng ứng dụng các công nghệ để có thể hỗ trợ hoạt động tín dụng, đặc biệt là quy trình thủ tục cho vay. Rất nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ cho vay thời gian chỉ vài ngày qua chương trình trực tuyến giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn.

Theo phó thống đốc Tú, tính chung cho toàn hệ thống, cho tất cả các khoản vay ngắn và trung, dài hạn thì đến hết tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch mới phát sinh của hệ thống là khoảng 3%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. Còn lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh là 6,5%/năm, giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Chính phủ, NHNN luôn luôn chỉ đạo phải giảm lãi suất, tháo gỡ cho doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại nữa. Ôn Tú cho rằng, Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đặt ra câu chuyện lợi nhuận, nhưng lợi nhuận thế nào để xã hội chấp nhận được, để chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm. Ngay cả với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, NHNN can thiệp với tư cách chủ sở hữu để hạ lãi suất cho doanh nghiệp.

"Quan điểm của NHNN là điều hành lãi suất linh hoạt, không đặt tăng hay giảm lãi suất điều hành. Từ cuối năm 2023 đến nay, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cả cũ", Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tú cũng thông tin rằng, thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Nợ xấu nội bản của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%.

Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý… Đây là các con số cho thấy không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu rất lớn, trở thành cục máu đông như cách đây hơn 10 năm mà xử lý cho đến bây giờ vẫn chưa hết.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến