Đơn hàng sụt giảm, cho nghỉ việc 500 công nhân
Một DN sản xuất đồ gỗ nội thất cho Tập đoàn Ashley Furniture (Mỹ) vừa cắt giảm khoảng 500 công nhân trên tổng số 1.000 người. Trước đây, DN này mỗi tháng xuất đi chừng 500 container hàng thì nay chỉ còn 100-200 container hàng.
Từ tháng 4/2022 bắt đầu có dấu hiệu chậm lại của đơn hàng gỗ, các tháng 5-6-7-8 vừa qua thì số liệu rõ nét hơn, kim ngạch xuất khẩu đi các nước giảm từ 4-6%, riêng thị trường Mỹ giảm khoảng 20%. Nhiều đơn hàng bị giảm số lượng, hủy đơn, điều này dẫn đến một số nhà máy phải giảm lao động, theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (Hawa).
Lạm phát khiến người dân chỉ quan tâm đến mặt hàng thiết yếu như gas, thực phẩm. Sự sụt giảm của thị trường tiêu dùng nội địa tại Mỹ và châu Âu khiến DN ngành gỗ rơi vào thế khó, buộc phải cho lao động nghỉ việc bớt. Bởi, nếu không có đơn hàng, không đủ ngày công mà giữ nguyên lương sẽ không ổn. Thử nhẩm tính, với 500 lao động, mức lương trung bình 10 triệu đồng/người/tháng thì riêng tiền lương đã khoảng 5 tỷ đồng/tháng.
Từ dẫn chứng trên, Phó Chủ tịch Hawa - ông Phùng Quốc Mẫn thông tin, một số DN khi bị đối tác ngưng đơn hàng, om tồn kho. Hàng không bán được nên nguồn tiền quay về không có. Từ đó, xuất hiện khó khăn về tài chính.
Một số lĩnh vực, trong đó có dệt may đang "đói" đơn hàng (ảnh: Hoàng Hà)
Không chỉ ngành gỗ, tín hiệu chậm đơn đặt hàng cũng xuất hiện đối với ngành dệt may. Cũng giống mặt hàng gỗ, Mỹ vẫn là thị trường truyền thống của dệt may Việt Nam, trong năm 2021, thị trường này chiếm khoảng 44% trong tỷ trọng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết, các DN đang đối mặt với khó khăn không tưởng. Thời điểm quý I/2022, đơn hàng rất nhiều không có đủ công nhân để sản xuất thì nay không đủ đơn hàng để may. DN sợi cũng không bán được hàng, thời điểm dịch vẫn có thể tiêu thụ còn bây giờ dù sợi đã hạ giá vẫn không có ai mua.
Khảo sát nhìn lại 8 tháng đầu năm 2022 của World Bank cũng cho thấy, ngay từ tháng 1-3/2022, 56% DN có doanh số giảm so với cùng kỳ. Đơn cử, 30% DN xuất khẩu được khảo sát phải hủy đơn hàng trong thời gian từ tháng 12/2021-2/2022 do thiếu nguyên vật liệu đầu vào, doanh số sụt giảm khoảng 35%. Còn trong số 12,2% DN trong nước đang cung ứng cho các công ty đa quốc gia trước dịch Covid-19, có tới 8% số DN phải thu hẹp quy mô của hoạt động cung ứng hàng.
Vốn đang ở nơi đâu?
Theo Phó Chủ tịch Hawa, đối với những DN làm ăn lâu năm, đã tích lũy vốn tạm ổn, có thể “giật gấu vá vai”. Khó nhất là các DN ra đời trong mấy năm gần đây. Ví dụ, DN thành lập năm 2017, hoạt động 2-3 năm đi vào ổn định thì gặp dịch Covid-19, rồi biến động giá nhiên liệu do chiến sự Nga - Ukraine thì khốn khổ về dòng tiền. Ngân hàng thì kêu cạn room tín dụng, hạn chế cho vay, trong khi vòng quay doanh thu của DN bị khựng lại.
Đại diện một DN ngành gỗ tại TP.HCM cho biết, có tình trạng đối tác bên Mỹ bán hàng chậm, tồn kho nhiều, thanh toán trễ. Trước đây, DN xuất hàng đi thì sẽ được trả tiền trong vòng 30 ngày, nhưng giờ chính bạn hàng Mỹ cũng không có tiền. DN phải xoay xở để trụ qua thời điểm nay, cắt giảm công nhân chỉ là một phần giải pháp, còn lãi vay ngân hàng, tiền thuê mặt bằng, tất sẽ rất khó khăn nếu không có doanh thu.
Đối tác bán hàng chậm, dòng tiền quay về trễ sẽ khiến doanh nghiệp không có doanh thu, thiếu vốn (ảnh: Hoàng Hà)
Nghịch lý, thay vì được giải ngân như mọi khi, giờ DN gửi hồ sơ xong phải xếp hàng chờ ngân hàng, bao nhiêu năm nay mới có tình trạng này. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không sớm cho chính sách tháo gỡ, sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN.
Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp TP.HCM diễn ra mới đây, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) nhận định, các DN trong ngành phần lớn là DN vừa và nhỏ, chưa tới 3% số DN phát hành cổ phiếu huy động vốn, số còn lại đi vay ngân hàng để sản xuất. Với tình hình hiện tại, vốn vay cần tăng khoảng 50% so với những năm trước bởi nguồn nguyên liệu nhập về cho sản xuất đều tăng giá 50-60%.
Chủ tịch FFA cho rằng, DN cần tiền mua và dự trữ hàng để sản xuất cho cả vụ Tết Nguyên đán 2023 thì mới đảm bảo thời điểm đó không tăng giá. Do dịch kéo dài, các DN bình ổn tại TP.HCM không tăng giá hàng hóa bởi đã lấy hết nguyên liệu trong kho ra sản xuất. Giờ ngân hàng nói hết room tín dụng, DN không thể nào thụ hưởng gói vay hỗ trợ lãi suất 2%.
“Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại báo cáo tăng trưởng tín dụng, nhưng ai là đối tượng thụ hưởng tín dụng tăng đó? Những DN sản xuất như chúng tôi đâu có được gì? Các hiệp hội sẵn sàng tranh luận với cơ quan quản lý nhà nước việc thực hiện chính sách hỗ trợ vốn, xem vấn đề ở đâu”, bà Lý Kim Chi thẳng thắn.
Dẫu vậy, trả lời về vấn đề cấp vốn cho DN, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM khẳng định, riêng tín dụng trên địa bàn TP vẫn tăng trưởng 11%, cao hơn 1,4% so với bình quân chung cả nước, so với cùng kỳ tín dụng tăng trưởng 17,5%. Ông cũng cho rằng, điều phấn khởi là tăng trưởng tín dụng chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Hiện dư địa tín dụng vẫn còn khoảng 450.000 tỷ đồng, khi NHTM thẩm định và quyết định cho vay sẽ dựa trên phương án kinh doanh của DN. Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Tuấn đề nghị cả DN và các ngân hàng làm đầy đủ thủ tục để được thụ hưởng chính sách.
Sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng trong 1-2 ngày tới Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định như vậy họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 6/9. Ông Tú cho hay, kế hoạch mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, được NHNN đưa ra từ đầu năm. Tới hết tháng 8, con số này đạt 9,91%. Mức tăng này được đánh giá là rất cao so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao. Như vậy, với hạn mức tín dụng còn lại, khoảng hơn 4%, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ tiếp tục giao cho các ngân hàng trong 1-2 ngày tới. Tuy nhiên, sau khi xem xét từng ngân hàng, cơ quan này sẽ thông báo cụ thể tới từng nhà băng, không công bố công khai. Đối tượng được ưu tiên giao chỉ tiêu là các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn cao. Ông Tú cũng cho rằng, thời gian qua có biến động tăng nhẹ lãi suất huy động và lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân chỉ là 7,9-9,5% và lãi suất huy động bình quân là 6,3-6,8%. Theo ông, đây là mức "khá hợp lý". (N. Hà) |
Tác giả: Trần Chung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy