Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 5/2021 giảm trở lại sau 2 tháng tăng liên tiếp. Cụ thể tháng 5/2021 cả nước xuất khẩu 626.750 tấn gạo, tương đương 339,05 triệu USD, giá trung bình 541 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 4/2021, với mức giảm tương ứng 19,9%, 20,1% và 0,3%. So với tháng 5/2020 cũng giảm 34,3% về lượng và giảm 31,2% về kim ngạch nhưng giá tăng 4,8%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 cả nước xuất khẩu gần 2,6 triệu tấn gạo, tương đương 1,41 tỷ USD, giá trung bình 542,8 USD/tấn, giảm 16% về lượng, giảm 6% về kim ngạch nhưng giá tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 5/2021, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè Thu. Trong khi đó, giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 374 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng nhẹ vào gần cuối tháng với mức khoảng 382 USD/tấn. Dịch COVID-19 đang khiến cho Ấn Độ rơi vào khủng hoảng lớn, hoạt động logistics bị đình trệ góp phần khiến cho giá gạo trở nên bất ổn, bất chấp việc chính phủ nước này đang cố gắng mở kho dự trữ để cung ứng lương thực tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng.
Theo nhiều ý kiến, một trong những yếu tố đẩy giá gạo Việt Nam tăng cao thời gian qua là nhờ các doanh nghiệp tập trung chế biến các mặt hàng gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Cùng với nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp còn tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, trong năm nay, gạo Việt Nam đã thẳng tiến đi châu Âu với thuế suất 0%.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là quốc gia nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất với hơn 30% thị phần. Ngoài ra, Indonesia cũng là một thị trường nhiều tiềm năng khi nước này nhập khẩu lượng gạo gấp 3 lần năm ngoái. Trung Quốc sau mấy năm trầm lắng thì năm nay cũng đã tăng lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Cùng với nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp còn tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong báo cáo tháng 6/2021 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA,) cơ quan này đã nâng dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 của Ấn Độ lên mức kỷ lục mới là 17,0 triệu tấn, tăng 16,8% (2,44 triệu tấn) so với năm 2020 và cao hơn gần 3 lần nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Việt Nam.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào với các vụ mùa bội thu liên tiếp, giá cả cạnh tranh và cơ sở hạ tầng xuất khẩu được cải thiện có khả năng vận chuyển gạo với số lượng lớn.
Chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho biết, theo số liệu thống kê chính thống của nước này, lượng gạo xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đã đạt 3,63 triệu tấn, tăng vọt 84,2%, nhưng giá bình quân chỉ là 460 USD/tấn, thấp nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Trong khi đó giá gạo tại Thái Lan tăng lên do sức ép từ nhiều phía: mất mùa do hạn hán kỷ lục, lũ lụt, đồng baht tăng giá,…
“Điều kiện của Thái Lan như vậy và việc giá gạo Việt Nam tăng mạnh thời gian qua có lẽ đã khiến một bộ phận khách hàng quay lưng lại với chúng ta để chuyển sang nguồn cung rất dồi dào và giá lại quá mềm của Ấn Độ, đặc biệt là gạo trắng”, chuyên gia Nguyễn Đình Bích nhận định. Ông cho rằng mặc dù chất lượng gạo Việt đã được cải thiện khi các doanh nghiệp chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc,… nhưng đó chỉ là định tính, còn khi xét về định lượng con số không lạc quan đến vậy.
Các số liệu thống kê của USDA cho thấy, nếu như cách đây năm năm, các khách hàng “kén chọn” Âu, Mỹ và Australia còn nhập khẩu 11,3% trong tổng tỷ trọng 50,8% xuất khẩu gạo trắng của nước ta, còn đối với gạo thơm và gạo nếp thì chỉ chiếm 2% trong 44,6% (toàn bộ “rổ gạo xuất khẩu” là 100%); thì trong năm 2020 vừa qua, trong khi gạo trắng đã giảm đi rất nhiều và chỉ còn 6,9%, gạo nếp và gạo thơm cũng chỉ tăng lên 2,7% trong tổng xuất khẩu của nhóm gạo này.
Tác giả: Linh Nga
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy