Dòng sự kiện:
Cần 'vaccine ngừa tham nhũng' trước khi 'virus tha hóa' kịp lớn mạnh
02/07/2022 05:54:33
Gần 10 năm kể từ khi Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó 170 người là cán bộ cấp cao thuộc diện TW quản lý.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phương châm này cũng đúng với việc phòng và chống “kẻ thù hung ác” tham nhũng.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 diễn ra vào ngày 30/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều quan trọng không chỉ là tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng mà từ đó rút ra cái gì và làm gì sắp tới để tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị, đội ngũ cán bộ.

Chống tham nhũng quyết liệt và không thể đảo ngược

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, nhà nước.

Tổng Bí thư không đồng tình với một số ý kiến về việc chống tham nhũng quá quyết liệt sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển của đất nước.

Theo Tổng Bí thư, chính việc làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Chống tham nhũng cũng góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là đấu đá nội bộ, phe cánh.

Nhìn lại lịch sử, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.

Tiếp đó, ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư ký ban hành quyết định sửa đổi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo có việc tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo, đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Gần 10 năm qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó 170 người là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Trong số này có 33 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 50 sỹ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang, số tài sản tham nhũng bị thu hồi là hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng thứ XIII (tháng 1/2021) tới nay, có 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 tướng quân đội, công an bị xử lý kỷ luật.

Chỉ tính riêng Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã có 77 bị can bị khởi tố, trong đó có nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Vẫn cần "vaccine mạnh" để phòng ngừa

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua đã đạt nhiều thành tích, có tác dụng răn đe không nhỏ.

Tuy nhiên, tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhận xét vụ Việt Á cho thấy một số trường hợp không biết sợ. Tháng 4/2020, khi mới bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và đã bị khởi tố. Tuy nhiên, sau đó vẫn có rất nhiều đối tượng phạm tội tương tự.

Tổng kết 10 năm chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những kẻ thù hung ác, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Bởi vậy, bên cạnh việc kiên trì chống tham nhũng thì cần tạo ra và chích ngừa “vaccine phòng tiêu cực” trước khi “virus tha hóa” kịp lớn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Theo Tổng Bí thư, để phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới thì phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản trong việc xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng, tiêu cực được.

Tiếp đó, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của nhóm lợi ích, sân sau, tư duy nhiệm kỳ; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.

Một giải pháp khác là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Hai lĩnh vực này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Toàn cảnh hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Đồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Một loại “vaccine ngừa tiêu cực” quan trọng, theo Tổng Bí thư, là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch.

Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất do người khác biếu xén, cho, tặng./.

Tác giả: Trần Quang Vinh 

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến