Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 23/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ Paris và Berlin nhìn nhận vụ tấn công này như "một thách thức nghiêm trọng với an ninh và là một đòn tấn công nhằm vào chủ quyền châu Âu."

Ông Emmanuel Macron cũng kêu gọi EU và các quốc gia thành viên kiên định trong cách phản ứng với vấn đề.

Trong khi đó, một số quốc gia như Hy Lạp hay Italy, không đồng tình rằng Nga là quốc gia phải chịu trách nhiệm.

Hầu hết các lãnh đạo EU đều đồng thuận với những biện pháp mà Anh đã thực hiện nhằm vào Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng việc EU ra quyết định triệu hồi đại sứ EU tại Nga là một quyết định chưa từng có tiền lệ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết liên minh đang cân nhắc áp đặt thêm một số biện pháp khác từ ngày 26/3 tới.

Song ông Donald Tusk cũng thừa nhận hiện EU vẫn còn chia rẽ về các biện pháp với Nga và sẽ khó có khả năng cả sẽ cùng thực hiện biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Hiện Áo là quốc gia đã tuyên bố sẽ không thực hiện biện pháp này.

Vụ việc tại Salisbury khiến quan hệ giữa Anh và Nga rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ việc này song không đưa ra bất cứ bằng chứng xác thực nào, trong khi Nga kiên quyết bác bỏ.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 22/3 tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi EU có phản ứng tập thể nhằm vào Nga.

Hiện Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và hy vọng những đồng minh châu Âu cũng sẽ có các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga.

Ngày 23/3, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định triệu hồi đại sứ của liên minh tại Nga sau khi ủng hộ quan điểm của Anh cho rằng Moskva liên quan tới vụ đầu độc.

Theo TTXVN/Vietnam+