Dòng sự kiện:
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Nhiều quốc gia có thể hưởng lợi
04/07/2018 19:08:31
Tại khu vực châu Á, khối lượng và quy mô các hoạt động trao đổi thương mại đang tăng trưởng nhanh chóng. Điều đó cũng có thể đổi chiều hoặc có thay đổi mạnh mẽ phụ thuộc vào mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo báo cáo khảo sát hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của khách hàng do Citi Group thực hiện, hoạt động kinh doanh của khách hàng trong thời gian từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018 giữa Hàn Quốc và Ấn Độ đã tăng tới 55%; giữa Trung Quốc và khu vực ASEAN đã tăng 66% trong cùng giai đoạn và tính chung lại thì tốc độ tăng trưởng đã lên tới 26% trong khu vực châu Á

 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể mở ra cơ hội tốt cho một số nước

Theo ông Munir Nanji - lãnh đạo của Citi Global Subsidiaries Group tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện tại châu Á đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào xu hướng tiêu dùng đang gia tăng trong khu vực.

Theo số liệu thống kê từ WTO, quy mô giao dịch thương mại hàng hóa trên thế giới đã tăng tới 4,7% trong năm 2017 - là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,8% vào năm 2016. Diễn biến tăng trong năm 2017 được dẫn dắt bởi xu hướng gia tăng nhu cầu nhập khẩu cũng như đầu tư và tiêu dùng trong khu vực. Trên thực tế, khu vực châu Á đã có tốc độ tăng trưởng thương mại nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới kể cả về hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu với mức tăng lần lượt là 6,7% và 9,6%.

Mặc dù vậy căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế đầu tàu hiện đã bắt đầu có ảnh hưởng tới khu vực châu Á, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi. WTO đã đưa ra cảnh báo về rủi ro trong triển vọng thương mại của khu vực năm 2018 -2019 khi các nước gia tăng các biện pháp phòng hộ thương mại trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên đây cũng sẽ là một điều tốt đẹp đối với các thị trường ổn định tại khu vực châu Á khi các công ty tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế mà không phải phụ thuộc vào nước Mỹ.

Tăng trưởng trong hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và khu vực ASEAN chủ yếu bắt nguồn từ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi đó giữa Hàn Quốc và Ấn Độ lại hình thành từ nhu cầu hàng hóa điện tử và tự động. Mặc dù vậy, câu chuyện chung ở đây sẽ là vấn đề công nghệ khi các công ty ở Trung Quốc và Hàn Quốc đều gia tăng các khoản đầu tư và công nghệ sang các quốc gia khác trong khu vực châu Á.

Nanji cho rằng, nhìn chung người châu Á đang tiêu dùng ngày càng nhiều hơn những hàng hóa của các công ty trong khu vực, cả cung và cầu đều đang gia tăng mạnh trong khu vực, trong đó các cấu phần của máy điện thoại thông minh phần lớn được sản xuất tại khu vực là ví dụ rõ ràng nhất.

Bên cạnh đó, các sáng kiến phát triển của nhiều nước cũng thúc đẩy xu hướng tăng trưởng của thương mại, cụ thể sáng kiến Make in India - sản xuất tại Ấn Độ đã khuyến khích các công ty sản xuất hàng hóa của Ấn Độ và khu vực trao đổi thương mại tự do - Thượng Hải.

Trong vài tuần gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều đe dọa gia tăng thuế suất đối với hàng hóa trao đổi thương mại của cả hai nước. Các chuyên gia phân tích của JP.Morgan đã đưa ra cảnh báo về sự suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ nếu các tuyên bố của ông Trump có hiệu lực vào đầu tháng 7/2018.

Trong trường hợp đó, các mối quan hệ gián tiếp trong khu vực sẽ bị tác động trên diện rộng và điều đó có thể ảnh hưởng tới thương mại và tăng trưởng, trong đó danh mục các hàng hóa liên quan đến các sản phẩm công nghệ cao và điện tử bởi vì các sản phẩm này phụ thuộc chặt chẽ vào chuỗi cung ứng và điều này sẽ nhân rộng các cú sốc thương mại trong khu vực. Theo các nhà phân tích, những ảnh hưởng này có thể xuất hiện tại Hàn Quốc, Đài Loan.

Mặc dù vậy, những căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lại có thể là những thông tin tốt cho một số thị trường, trong đó Ấn Độ có thể xem là một ví dụ khi được hưởng lợi từ việc xuất khẩu các mặt hàng bông, sợi khi chính sách thuế của ông Trump khiến cho Chính phủ Trung Quốc áp 25% thuế xuất nhập khẩu lên các mặt hàng nông nghiệp của nước Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay có thể tạo ra cơ hội lớn cho Ấn Độ trong việc chiếm lĩnh được thị phần cung cấp hàng hóa này tại thị trường Trung Quốc.

Trong thực tế, Ấn Độ đã ký các hợp đồng vận chuyển 85 nghìn tấn cotton trong vụ mùa mới sang thị trường Trung Quốc - đây là những thương vụ hiếm có đối với Ấn Độ. Các chuyên gia cũng cho rằng nếu Trung Quốc quyết định không mua các sản phẩm nông nghiệp từ nước Mỹ, họ có thể chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực châu Á, mặt khác các nhu cầu xuất khẩu xuất hiện ở bất cứ đâu cũng có thể thiết lập lên các mối quan hệ thương mại mới.

Vì thế khi chiến tranh thương mại xảy ra, các nước có liên quan sẽ phải hướng các quan hệ của mình sang các khu vực khác. Khi đó một số nước sẽ được hưởng lợi. Một trong số họ có thể là các nước tại khu vực châu Á, Mỹ La Tinh... và lúc đó sẽ có sự dịch chuyển hành lang thương mại.

Theo Thời báo ngân hàng
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến